Tăng cường giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước. |
Đảm bảo an toàn các nguồn nước dành cho sinh hoạt
Thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng 2025; Quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên nước) tỉnh Sơn La từ năm 2015-2020, tầm nhìn 2030; tích hợp vào quy hoạch tỉnh nội dung phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Đây là cơ sở để tổ chức thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 7/2021, UBND tỉnh Sơn La đã cấp 187 giấy phép theo thẩm quyền, trong đó, 12 giấy phép đã hết hạn, thu hồi 4 giấy phép. Hiện có 171 giấy phép còn hiệu lực, gồm: 3 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 76 giấy phép khai thác nước dưới đất; 36 giấy phép khai thác nước mặt; 56 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Tính đến tháng 7/2021, 79 nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Chủ giấy phép đã tổ chức xác định phạm vi ranh giới và cắm mốc trên thực địa để bảo vệ nguồn nước.
Đồng thời, đã phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên toàn tỉnh; hoàn thành phương án cắm 1.093 mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La (nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn). Qua đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật mới được phép hoạt động.
Tỉnh cũng đã triển khai khoanh định được 160 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất với tổng diện tích gần 77.000 ha, gồm 41 vùng hạn chế 1, 87 vùng hạn chế 3 và 32 vùng hạn chế hỗn hợp. Đã thực hiện công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh và ngưỡng khai thác nước dưới đất.
Sơn La là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà dài 280km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90km với 17 phụ lưu chảy qua địa bàn. Tổng lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh khoảng 19 tỷ m3/năm, chủ yếu từ nguồn nước mưa tích trữ vào 2 hệ thống sông chính. Về tài nguyên nước dưới đất, tồn tại dưới 2 dạng chủ yếu là tầng chứa nước khe nứt – phân bổ trên diện tích khoảng 140.000km2 và tầng chứa nước lỗ hổng phân bố trên diện tích khoảng 172km2. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất khoảng gần 4 triệu m3/ngày.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang thực hiện Dự án xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm xây dựng hệ thống thông tin kết nỗi hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước. Dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Siết chặt thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm
Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật lĩnh vực tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên. Theo Sở TN&MT Sơn La, từ năm 2013 tới nay, đã triển khai 31 cuộc thanh, kiểm tra với 112 đơn vị được kiểm tra, phát hiện 36 đơn vị có vi phạm. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là hơn 1,5 tỷ đồng. Tại cấp huyện đã tổ chức kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 300 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Không có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc của Sở TN&MT, những năm gần đây, hành vi vi phạm này đã cơ bản được khắc phục. Ngoài ra, còn các lỗi: Chưa lắp thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến; quan trắc, giám sát không đầy đủ về số thông số, tần suất theo quy định; Thực hiện không đầy đủ các nội dung quy định tại giấy phép đã được cấp…
Duy trì kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường nước hàng năm nhằm kịp thời đưa ra cảnh báo với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm. |
Theo lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La, trên địa bàn tỉnh chưa có các vùng ô nhiễm nước cần xử lý. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, với việc phát triển sản xuất nông nghiệp như: Cà phê, mía đường, tinh bột sắn... đã làm phát sinh lượng nước thải dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại một số thời điểm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, môi trường; hướng dẫn xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn các huyện có nguy cơ cao như sản xuất mía đường, cà phê, dong, sắn, chăn nuôi.
Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc thanh, kiểm tra, góp phần nâng cao hiểu biết của các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, cấp huyện và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Ban hành nhiều văn bản, sổ tay hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với hoạt động sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt quy mô hộ gia đình; tổ chức thu thập thông tin hộ gia đình sơ chế, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường nắm bắt thông tin, phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí; kịp thời ngăn chặn, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên nước.
Các huyện, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động ra quân bảo vệ nguồn nước, thu gom rác thải trên các sông suối. |
Duy trì kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường nước hàng năm trên địa bàn tỉnh và tại các vị trí đầu nguồn cấp nước, lấy nước của các nhà máy nước trên địa bàn TP Sơn La, huyện Mai Sơn, Thuận Châu; nhằm theo dõi, giám sát môi trường nước mặt, kịp thời đưa ra cảnh báo với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm để có biện pháp ngặn chặn và xử lý.
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, tỉnh Sơn La còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn về quy trình, trình tự giải quyết tranh chấp tài nguyên nước. Do đó trong quá trình giải quyết, UBND các cấp gặp nhiều khó khăn, nhất là ở cấp xã. Thiếu chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh làm phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn cho nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về bảo vệ nguồn nước dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế, dẫn đến thực tế nguồn nước vẫn bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển kinh tế...