Sơn La: Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

Nguyễn Nga| 27/06/2020 09:03

(TN&MT) - Tính đến 15h ngày 23/6, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn 12 bản, 7 xã tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Phù Yên và thành phố Sơn La, dịch chưa qua 30 ngày.

Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 1970/UBND-KT, về việc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tính đến 15h ngày 23/6, trên địa bàn tỉnh Sơn La còn 12 bản, 7 xã tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Phù Yên và thành phố Sơn La, dịch chưa qua 30 ngày. Trong đó, mới phát sinh 1 hộ có dịch tại xã Huy Bắc, huyện Phù Yên ngày 15/6.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, tập trung vào bệnh dịch tả lợn châu Phi đến tận bản, tiểu khu, tổ dân phố, trang trại, hộ chăn nuôi, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết… thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh, xử lý theo quy định; giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn.

Thành lập, duy trì Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Công an, Quản lý thị trường, thú y… tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, các sản phẩm từ lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

Đối với các huyện có biên giới với nước CHDCND Lào (Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sốp Cộp, Sông Mã, Vân Hồ), chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân khu vực các huyện biên giới.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường và các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn người chăn nuôi, nhân viên thú y cấp xã, phường, thị trấn tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật phòng dịch.

Khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh hoặc sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép phải báo cáo kịp thời, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm trước khi tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Chỉ đạo Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông Vân Hồ, các chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết thì lấy mẫu xét nghiệm, xử lý theo quy định. Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm, chốt.

Cung cấp số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh động vật,  đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

UBND tỉnh giao Cục quản lý thị trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát vận chuyển động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO