61 giếng phải trám lấp gồm 7 giếng tại phường Chiềng Cơi và Chiềng Sinh, thành phố Sơn La; 54 giếng tại xã Mường Bon, Chiềng Mai, Mường Bằng, huyện Mai Sơn.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT công bố, công khai Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp; thông báo đến UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn nơi có giếng không sử dụng phải trám lấp. Trước ngày 15/12 hàng năm, báo cáo Bộ TN&MT (qua Cục Quản lý tài nguyên nước) và UBND tỉnh về thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng trên địa bàn.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT hướng dẫn kỹ thuật trám lấp giếng cho các chủ giếng; đôn đốc, kiểm tra việc trám lấp giếng không sử dụng của chủ giếng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 10 (đối với giếng khoan), Điều 11 (đối với giếng đào) Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ TN&MT. Định kỳ 6 tháng, Phòng TN&MT cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, lập danh sách giếng đã trám lấp trên địa bàn, gửi Sở TN&MT.
UBND các xã, phường, thị trấn niêm yết công khai Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp tại trụ sở UBND cấp xã; thông báo tới chủ giếng để thực hiện việc trám lấp. Giám sát việc trám lấp giếng của chủ giếng trên địa bàn.
Chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm trám lấp giếng tới UBND xã, phường, thị trấn và tự tổ chức thi công trám lấp giếng của mình. Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thi công trám lấp giếng không sử dụng, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới UBND cấp xã để theo dõi, tổng hợp.
Theo Sở TN&MT, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, phân loại và lập danh mục giếng không sử dụng, phải trám lấp theo quy định. Tiếp đó, Sở TN&MT đã ban hành các công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lập Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp.
Trên cơ sở báo cáo từ các huyện, Sở TN&MT đã tổng hợp, xây dựng dự thảo Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp; ban hành Công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã có giếng phải trám lấp tổ chức niêm yết công khai dự thảo Danh mục tại trụ sở Ủy ban trong thời hạn 30 ngày làm việc. Trong thời hạn niêm yết công khai, chủ giếng có quyền đề nghị đưa ra khỏi danh mục và nêu rõ lý do. Trường hợp chưa có trong danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp nhưng chủ giếng xác định không sử dụng, thì đề nghị bổ sung vào danh mục. Kết quả, đã phê duyệt Danh mục 61 giếng không sử dụng phải trám lấp tại thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn.
Cắm mốc hành lang bảo vệ 20 nguồn nước tại 7 huyện
Tỉnh Sơn La cũng vừa phê duyệt kế hoạch triển khai lập hành lang bảo vệ với 20 nguồn nước trên địa bàn 7 huyện.
Trong đó, huyện Phù Yên có 4 nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ 37m; huyện Mộc Châu 4 nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ 40m; huyện Sốp Cộp có 3 nguồn nước, phạm vi hành lang bảo vệ 60m…
Việc lập hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên sống ven nguồn nước.
UBND tỉnh yêu cầu, ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước phải được cập nhật, thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.