Biến đổi khí hậu

Sơn La: Thực thi hiệu quả chính sách pháp luật ứng phó BĐKH

Nguyễn Nga 28/09/2023 - 17:43

(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Lồng ghép ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc điểm chung vùng Tây Bắc, những năm gần đây, nhiệt độ không khí trung bình/năm trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng từ 0,5 - 0,6 độ C; lượng mưa, độ ẩm không khí trung bình năm có xu hướng giảm. BĐKH đã tác động đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội - kinh tế, đến tất cả các lĩnh vực, các ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng, giao thông, y tế...

bdkh-1.jpg
Sở TN&MT Sơn La tổ chức tập huấn, tuyên truyền về đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Thích nghi, ứng phó BĐKH, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai các quy định về ứng phó với BĐKH theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch Giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH; Kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về BĐKH…

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng các kế hoạch, đề án triển khai thực hiện phù hợp chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn địa phương. Lồng ghép các nhiệm vụ về ứng phó BĐKH vào các Nghị quyết và Chương trình hành động của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, đưa nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển, tập trung vào các Phương án: Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Phương án Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai; Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được thực hiện nhân ngày Môi trường thế giới, ngày Khí tượng thế giới, ngày Đa dạng sinh học, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… góp phần đưa thông điệp về ứng phó BĐKH tới mỗi người dân.

Thích ứng BĐKH trên mọi lĩnh vực

Trong điều kiện BĐKH, thiệt hại lớn nhất đối với trồng trọt là do mưa lũ, thiên tai. Hàng năm, Sơn La có gần 1.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, ngoài ra các trận lũ và rét đậm, rét hại đã cuốn trôi, làm chết hàng nghìn gia súc, gia cầm, thủy sản của người dân. Ngoài ra, các hiện tượng như sương muối, băng giá, mưa đá, hạn hán làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, suy giảm diện tích, chất lượng rừng, tính đa dạng sinh học.

Để giảm thiểu thiệt hại, tỉnh đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, vận động người dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, như: GAP, nông nghiệp hữu cơ, IPM, canh tác trên đất dốc; hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi tập trung và xử lý chất thải chăn nuôi; trồng các giống cây, loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất; nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả.

Công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch, đã quan tâm nghiên cứu, áp dụng các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, dự báo thiên tai. Công tác phát triển đô thị theo hướng xây dựng công trình, nhà ở chống nắng nóng, sử dụng các giải pháp làm mát xanh, dựa vào tự nhiên để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, sử dụng vật liệu ít phát thải khí nhà kính, vật liệu tái chế.

anh-bdkh-2.jpg
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để giảm thiểu tác động tới môi trường.

Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm, đảm bảo không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Chuyển đổi dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải; tăng cường sử dụng các loại vật liệu tái chế; phát động phong trào “sống xanh” trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm, đảm bảo không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Chuyển đổi dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải; tăng cường sử dụng các loại vật liệu tái chế; phát động phong trào “sống xanh” trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai với các dự án: Kè chống sạt lở suối Vạt bảo vệ thị trấn Yên Châu; Kè chống sạt lở suối Tấc bảo vệ khu dân cư các xã Huy Thượng, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên; Kè chống sạt lở khu đất Nà Tơ huyện Sốp Cộp... Chủ động rà soát, di dời, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư đã quan tâm đến BĐKH, các tác động của BĐKH để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Bước đầu, hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, BĐKH là lĩnh vực mới, tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi nguồn cán bộ chuyên trách và được đào tạo chuyên sâu của địa phương hầu như còn thiếu. Nguồn lực ứng phó với BĐKH còn hạn chế, chưa có cơ chế để thu hút nguồn lực tài chính và hỗ trợ công nghệ ứng phó.

Thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH. Khôi phục, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, tăng độ che phủ của rừng. Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; đào tạo, nâng cao nhận thức, trình độ năng lực chuyên môn về bảo vệ môi trường, BĐKH cho cơ quan quản lý các cấp.

Nâng cao chất lượng quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ mới tiên tiến phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh. Xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường. Triển khai cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Thực thi hiệu quả chính sách pháp luật ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO