Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực TN&MT đã được huyện Mai Sơn thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực đất đai, từ đầu năm tới nay, huyện đã phối hợp với Thanh tra tỉnh triển khai 02 cuộc thanh tra về việc thực hiện chính sách miễn, giảm, được ghi nợ tiền sử dụng đất khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất sản xuất cho các hộ gia đình cá nhân giai đoạn 2010 - 2017 trên địa bàn huyện. 02 cuộc thanh tra công tác quản lý đất đai tại 02 xã Chiềng Kheo và Chiềng Sung theo Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất của 05 doanh nghiệp, gồm 02 doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm Luật Đất đai và 03 doanh nghiệp đề nghị gia hạn thuê đất. Họp quán triệt công tác quản lý việc sử dụng đất theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 10/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh; giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Qua đó, 6 tháng đầu năm, có 12 trường hợp đào đắp, san lấp mặt bằng vi phạm Luật Đất đai đã bị lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 13,5 triệu đồng; cưỡng chế 04 trường hợp.
Trong công tác bảo vệ môi trường, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 4 nhà máy, gồm: Nhà máy đường Sơn La, Nhà máy sản xuất tinh bột sắn (FOCOCEV); Nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất Sơn La; Nhà máy xi măng Mai Sơn. Một khu công nghiệp Mai Sơn có 6 đơn vị đang xây dựng và sản xuất; 4 trại chăn nuôi lợn tập trung và nhiều hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi quy mô nhỏ và vừa cùng các hộ sơ chế nông sản (dong, sắn, cà phê…).
Do đó, hàng năm, huyện Mai Sơn đã thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện; đôn đốc UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2018, Đoàn liên ngành của huyện đã tổ chức 05 đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn. Tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở theo phản ánh của nhân dân; kiểm tra, xác minh phản ánh của công dân về việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty cổ phần mía đường Sơn La, Nhà máy chế biến nông sản BHL, 02 cơ sở sơ chế nông sản tại tiểu khu 3 và bản Lạnh xã Cò Nòi. Đồng thời lấy mẫu phân tích chất lượng nước kiểm tra mức độ ô nhiễm. Xử lý 08 trường hợp vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền phạt 28 triệu đồng.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị cấp nước kiểm tra, rà soát các điểm gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước Nậm La (thành phố Sơn La) tại xã Mường Chanh và xã Chiềng Chung. Công bố Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 07/12/2017 của UBND tỉnh về việc ngừng hoạt động đầu tư dự án Xưởng chế biến cà phê Mường Chanh (nguồn phát sinh gây ô nhiễm nguồn nước). Hướng dẫn thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn xử lý sơ bộ nước thải trong sơ chế, chế biến cà phê của các cơ sở trên địa bàn huyện. Kiểm tra, xử lý 01 trường hợp khoan giếng trái phép tại xã Chiềng Lương với số tiền 2 triệu đồng.
Lĩnh vực khoáng sản, Đoàn liên ngành đã tổ chức 09 đợt kiểm tra việc thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 01 trường hợp khai thác cát trái phép với số tiền phạt 15 triệu đồng, tịch thu 28 m3 cát đen xây dựng. Xử lý vi phạm 02 trường hợp vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, tịch thu 39 m3 cát đen xây dựng.
Có thể nói, trong năm 2018, huyện Mai Sơn đã tích cực, chủ động triển khai các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý quy hoạch và các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó, chấn chỉnh công tác quản lý cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức sử dụng đất. Các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai có giảm, công tác quản lý nhà nước về đất đai của các xã, thị trấn dần đi vào nề nếp. Các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã được tuyên truyền đến nhân dân, góp phần nâng cao ý thức người dân. Công tác phối hợp kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức được tăng cường nên mức độ gia tăng ô nhiễm dần được hạn chế. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn hầu hết đã chấp hành đầy đủ pháp luật về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác giải quyết đơn, kiến nghị của nhân dân có vụ việc còn chậm, chưa xử lý dứt điểm. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn xã còn hạn chế, vẫn còn trường hợp người dân tự san lấp, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tuy đã được kiểm tra, xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái vi phạm tại những khu vực địa hình khó khăn, phức tạp, vùng giáp ranh giữa các huyện. Các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản có giảm, song tính chất ngày càng phức tạp, thời gian vi phạm vào ban đêm, ngày nghỉ lễ, tết... nhằm đối phó với với lực lượng quản lý.
Việc ô nhiễm môi trường chủ yếu do các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi lợn và sơ chế nông sản (cà phê, dong, sắn…) quy mô nhỏ, lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư. Điều kiện kinh tế khó khăn không đủ điều kiện để xây dựng nhà xưởng, chuồng trại xa khu dân cư, có hệ thống xử lý thải đạt tiêu chuẩn. Chính quyền các xã, thị trấn chưa thực hiện hết trách nhiệm của địa phương trong quản lý địa bàn, kiểm tra phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản và môi trường chưa quyết liệt; chưa chủ động kiểm tra, đề xuất biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý theo quy định.
Trong những tháng cuối năm 2018, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện. Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; xả nước thải vào nguồn nước đối với các cơ sở sản xuất cà phê. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường cho người dân. Tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý theo thẩm quyền; trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trong việc quản lý tài nguyên và môi trường. Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã thị trấn chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường, kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp các trường hợp vượt thẩm quyền và cố tình chống đối.