Sơn La được đánh giá là tỉnh đa dạng về khoáng sản, có tiềm năng khoáng sản ở vị trí thứ 3 trong vùng Tây Bắc, sau Lào Cai và Yên Bái. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hoạt động khai thác, chế biến chưa đa dạng, ngoài vật liệu xây dựng thông thường thì chủ yếu là than, đồng, Nikel....
Tính đến đầu năm 2015, các hoạt động khai thác khoáng sản trên toàn tỉnh đều diễn ra theo đúng giấy phép được cấp và nội dung quy hoạch đã được duyệt. Trên địa bàn tỉnh còn 19 doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, với 23 giấy phép được cấp phép khai thác còn hiệu lực, chủ yếu là các loại khoáng sản phục vụ nhu cầu địa phương như than, đồng...
Hiện nay, vấn đề môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Do đó, việc thực hiện điều tra, khảo sát hiện trạng môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản là rất cần thiết, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Trước thực tế đó, Sở TN&MT Sơn La đã ký hợp đồng với Trung tâm Môi trường công nghiệp để thực hiện tư vấn lập Báo cáo “Hiện trạng và giải pháp BVMT trong khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Sơn La”. Dự án được triển khai khảo sát tại 8 đơn vị hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, với tổng số 12 điểm mỏ.
Kết quả thu thập tài liệu, số liệu và điều tra đánh giá cho thấy, hiện trạng môi trường các vùng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh rất khác nhau giữa các vùng và các loại hình khoáng sản được khai thác. Tuy ngành khai thác khoáng sản của tỉnh phát triển chưa đáng kể, nhưng môi trường một số khu vực khai thác đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và có khả năng gây sự cố môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ lạc hậu, buông lỏng quản lý kỹ thuật sản xuất và quản lý môi trường tại các đơn vị.
Cụ thể, môi trường không khí khu vực các mỏ chưa có dấu hiệu ô nhiễm. Vì vị trí các mỏ chủ yếu nằm trong đồi núi, xa khu dân cư, nên khi phát sinh bụi, khí thải đã phát tán, pha loãng ngay vào môi trường xung qunh khu vực. Tuy nhiên, cần chú trọng giám sát các nhà máy luyện đồng nhằm phòng ngừa các sự cố do khí thải gây ra.
Về môi trường nước, nhu cầu sử dụng nước trong khai thác, chế biến khoáng sản hiện khoảng hơn 1.000m3/ngày đêm. Các nguồn nước mặt, nước ngầm chưa có dấu hiệu ô nhiễm lớn của các chất độc hại. Tại một số mỏ, nguồn nước bị ô nhiễm là chỉ tiêu chất rắn lơ lửng vượt 1-9 lần; NH+ vượt 1-2 lần; Coliform vượt 3-100 lần tại các mỏ đá, sự ô nhiễm này có thể là do các mỏ đá gần khu vực dân cư đông đúc. Ngoài ra, chỉ tiêu Fe trong nước mặt vượt 2-3 lần ở mỏ sắt Suối Cù, sắt Mường Trai.
Quá trình khai thác khoáng sản cũng tác động đến tài nguyên và môi trường đất. Khai thác khoáng sản làm thu hẹp diện tích đất nông lâm nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất như chiếm dụng đất nông lâm nghiệp để làm khai trường, bãi thải, thải các chất rắn như đất bóc, đất đá thải, hồ thải quặng đuôi như mỏ than Suối Bàng II, mỏ sắt Mường Trai, đồng Sao Tua... Kết quả điều tra, phân tích chỉ tiêu kim loại nặng tại các khu vực khai trường, bãi chứa đất đá thải, đường nội mỏ cho thấy thành phần các chỉ tiêu kim loại đã có dấu hiệu ô nhiễm như Cu, Pb, As, Cd cao tại các mỏ đồng Sao Tua, đồng Vạn Sài, sắt Suối Cù, sắt Mường Trai, than Suối Bàng II...
Hơn nữa, hoạt động khai thác khoáng sản còn để lại những diện tích đất bị hoang hóa và suy thoái do đã được sử dụng trực tiếp vào quá trình khai thác, chế biến khoáng sản.
Không chỉ thế, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã gây nên tình trạng cây cối bị chặt phá, lớp phủ thực vật bị triệt hạ, tạo ra địa hình lồi lõm gây mất mỹ quan khu vực, khó phục hồi lại được cảnh quan và môi trường như ban đầu. Các tác động lớn chủ yếu là những mỏ sử dụng phương pháp khai thác lộ thiên, chiếm dụng đất lớn như mỏ đá, sét, sắt...; các bãi chứa đất đá, các hồ thải quặng đuôi...
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đề ra các nhóm giải pháp bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển và quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; giải pháp về chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động khoáng sản với môi trường đất, nước, không khí cho các khu vực khai thác và chế biến khoáng sản; giải pháp nâng cao sản lượng khai thác và tận thu nguồn tài nguyên...
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề nghị, UBND tỉnh Sơn La cần tăng cường thanh kiểm tra tại các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Giám sát công tác bảo vệ môi trường thường xuyên, xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và một thời gian sau khi kết thúc hoạt động khai thác, đến khi hoàn trả lại diện tích đã sử dụng cho các mục đích sử dụng đất khác theo quy hoạch chung của khu vực.
Cần rà soát, lập chương trình bảo vệ môi trường, kế hoạch đóng cửa mỏ, hoàn thổ, phục hồi môi trường cho các mỏ đã kết thúc khai thác, để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và hoàn trả lại cảnh quan cho khu vực.
Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản cần nhận thức rằng, bảo vệ môi trường ở các vùng khai thác khoáng sản là trách nhiệm của chính các doanh nghiệp. Công tác bảo vệ môi trường, hoàn thổ phục hồi môi trường là một hoạt động không thể tách rời khỏi quá trình khai thác và chế biến khoáng sản và cần đầu tư nguồn lực cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường.
Nguyễn Nga