Sơn La: Phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ suy thoái

Nguyễn Nga| 19/05/2022 16:01

(TN&MT) - Là địa phương có nguồn tài nguyên nước phong phú với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà (dài 280km, 32 phụ lưu) và sông Mã (dài 90km, 17 phụ lưu), những năm qua, Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước (TNN), đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Công khai thông tin khai thác, sử dụng TNN

Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực TNN, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, nước dưới đất đến năm 2020, định hướng 2025; Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh từ năm 2015 - 2020, tầm nhìn 2030; tích hợp nội dung phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra vào quy hoạch tỉnh.

11-1-.jpg

Sơn La tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao gây ô nhiễm nguồn nước.

Để đảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đến chất lượng nguồn nước, tỉnh đã thực hiện công khai các thông tin liên quan đến khai thác, sử dụng TNN; kết quả thực hiện khoanh định 160 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; lập hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên trang thông tin điện tử của tỉnh và niêm yết tại UBND các huyện, xã có sông suối nằm trong phạm vi vùng bảo hộ. Đối với các dự án thủy điện, sau khi tổ chức lấy ý kiến theo quy định, các chủ dự án đã công khai thông tin trong 30 ngày làm việc trước khi khởi công và niêm yết công khai thông tin tại trụ sở UBND cấp xã, tại địa điểm xây dựng công trình theo quy định.

Thời gian qua, Sơn La đã ưu tiên nguồn lực để hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực TNN, gồm: Lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho TP. Sơn La, huyện Mai Sơn, Thuận Châu; Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Lập danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của các sông suối chính. 

Hiện, tỉnh đang triển khai xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng TNN và quản lý, lưu trữ thông tin, dữ liệu KTTV; Điều tra cơ bản TNN đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với các nguồn nước nội tỉnh...

Tỉnh cũng đã triển khai phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN; phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông suối, hạ lưu các hồ chứa; duy trì định kỳ quan trắc, đánh giá chất lượng nước mặt, nước dưới đất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ TNN trước nguy cơ suy thoái, ô nhiễm ngày càng gia tăng. Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 4 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TNN đến cán bộ, công chức các sở, ngành có liên quan, phòng TN&MT cấp huyện và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TNN. Qua đó, nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đã được nâng lên rõ rệt.

Nâng cao hiệu quả thẩm định, cấp phép TNN

Ông Phùng Kim Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Để tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ TNN, Sơn La luôn chú trọng siết chặt công tác thẩm định cấp phép khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước. Nếu như trước năm 2012, Sơn La “trắng” giấy phép TNN thì từ khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh đã cấp 198 giấy phép theo thẩm quyền, trong đó, 182 giấy phép còn hiệu lực, góp phần quan trọng chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật TNN của các tổ chức, cá nhân, hướng tới phát triển bền vững.

Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TNN theo quy định; rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải có giấy phép gửi Sở TN&MT để đôn đốc thực hiện; tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác; kiểm tra, giám sát việc trám lấp giếng không sử dụng; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo kế hoạch…

11-2-(1).jpg

Duy trì quan trắc định kỳ chất lượng môi trường nước, nhằm kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm.

Công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực TNN được tăng cường. Từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 27 cuộc thanh, kiểm tra với 88 tổ chức, cá nhân; xử lý vi phạm hành chính với 28 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các lỗi vi phạm chính, gồm: Không có giấy phép khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước; chưa lắp thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến; quan trắc, giám sát không đầy đủ về thông số, tần suất theo quy định; thực hiện không đầy đủ các nội dung quy định tại giấy phép...

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La, những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng kéo theo nhu cầu xả nước thải cũng tăng lên. Tuy rằng, chưa xảy ra tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt cần phục hồi, nhưng một số nguồn nước chảy qua các khu đô thị, dân cư lớn có nguy cơ suy giảm và ô nhiễm trong một vài thời điểm trong năm.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ TNN, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm trên các lưu vực sông quan trọng, các khu vực đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm.

Tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Luật Tài nguyên nước để phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý TNN trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thực hiện thống kê, kiểm kê TNN trên quy mô toàn quốc, xây dựng ngân hàng dữ liệu TNN quốc gia. Sớm đưa vào vận hành hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước; giám sát việc vận hành hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện... bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước trước nguy cơ suy thoái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO