Sơn La: Phê duyệt kết quả 2 nhiệm vụ về biến đổi khí hậu

Nguyễn Nga| 18/06/2020 16:08

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định số 707/QĐ-UBND, phê duyệt kết quả nhiệm vụ Đánh giá khí hậu của tỉnh Sơn La; Quyết định số 701/QĐ-UBND, phê duyệt kết quả thực hiện nhiệm vụ Xây dựng, cập nhật hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Sơn La.

Những năm qua, do ảnh hưởng của BĐKH, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La bị thiệt hại nặng nề do thiên tai.

BĐKH đã gây nhiều ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên

Kết quả nhiệm vụ Đánh giá khí hậu tỉnh Sơn La cho thấy: Nhiệt độ trung bình năm cả giai đoạn 2008-2017 trên toàn tỉnh là 22,2 độ C; cao nhất tại trạm Phù Yên và Yên Châu; thấp nhất tại trạm Mộc Châu. Nhiệt độ tối cao trung bình năm cả giai đoạn 2008-2017 là 37 độ C; nhiệt độ tối thấp trung bình năm cả giai đoạn là 5,3 độ C. Lượng mưa năm trên toàn tỉnh tập trung chủ yếu vào tháng 4 đến tháng 9, với lượng mưa cực đại xảy ra vào tháng 7 là 285,7mm.

Về các hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng tương đối thấp ở các trạm Sơn La, Bắc Yên, Cò Nòi. Ở các trạm còn lại, số ngày nắng nóng tương đối cao, cao nhất tại trạm Yên Châu, trung bình gần 60 ngày/1 năm, tiếp đến là trạm Phù Yên (50 ngày), Sông Mã (45 ngày), Phiêng Lanh (26 ngày).

Hạn hán xảy ra vào mùa đông và mùa xuân (từ tháng 11 đến tháng 3, 4 năm sau) ở hầu hết các trạm trong tỉnh. Trong đó, tại trạm Cò Nòi, Yên Châu, Sông Mã, hạn hán xảy ra ở mức độ nặng hơn với các trạm còn lại trong cùng khoảng thời gian xảy ra hạn. Sương muối thường xảy ra vào khoảng tháng 12 hoặc tháng 1, khu vực hay xuất hiện nhất là Mai Sơn, Mộc Châu và thành phố Sơn La…

Đáng lưu ý, tần suất xuất hiện bão, ấp thấp nhiệt đới nhiều nhất tại Sơn La vào năm 2017 với 5 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ gây mưa lớn. Trung bình 10 năm trong thời kỳ đánh giá có khoảng 22 trận lũ lớn và nhỏ.

Qua việc đánh giá khí hậu của tỉnh, trong giai đoạn 2008-2017, có thể thấy, BĐKH đã gây ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên, môi trường và hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đặc biệt, tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày càng có những diễn biến thời tiết bất thường, không theo quy luật gây thiệt hại lặp đi lặp lại như: Nhà cửa bị ngập, sập, bị lũ cuốn trôi, cầu cống bị hư hỏng, ngập… tại các huyện Mường La, Yên Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Phù Yên.

Để ứng phó BĐKH, nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhóm các giải pháp phù hợp với thực tiễn tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh Sơn La giao Sở TN&MT đôn đốc các sở, ngành, địa phương sử dụng các nội dung đánh giá khí hậu tỉnh phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, sử dụng kết quả Đánh giá khí hậu của tỉnh trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tỉnh Sơn La đã xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, suối như kè suối Muội, kè suối Tấc, kè suối Nậm La...

Đề xuất các nhiệm vụ dự án ưu tiên ứng phó BĐKH

Tại kết quả thực hiện nhiệm vụ Xây dựng, cập nhật hành động ứng phó BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tỉnh Sơn La, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Kịch bản BĐKH tỉnh Sơn La đến cuối thế kỷ 21, với các diễn biến về nhiệt độ, lượng mưa. Theo cả 4 kịch bản RCP, trong tương lai, nhiệt độ trung bình năm và nhiệt độ các mùa, nhiệt độ tối cao trung bình năm, nhiệt độ tối thấp trung bình năm ở Sơn La đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở. Về lượng mưa năm ở Sơn La nhìn chung chiếm ưu thế là xu thế tăng.

Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La đã ban hành Cập nhật, bổ sung hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 20250, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và năng lực thích ứng, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng cho công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và cộng đồng dân cư trong tỉnh;

Thực hiện nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, dự án, mô hình ứng phó BĐKH, trong đó, tập trung xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp thoát nước, hồ chứa thủy điện, thủy lợi, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiết kiệm nước… Nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH, thực hiện dự án thí điểm cộng đồng ứng phó BĐKH tại một số huyện, xã trọng điểm…

Các nhiệm vụ dự án ưu tiên ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được đề ra gồm: Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Sơn La (2020-2022); Đánh giá thảm phủ thực vật và tài nguyên rừng (2021-2026); Xây dựng Kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng (2020-2022); Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp nhằm tăng cường khả năng chống chịu các tác động của BĐKH (2020-2025); Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cho các nhóm dễ bị tổn thương (dân tộc thiểu số) bởi BĐKH nhằm chủ động ứng phó hiệu quả với BĐKH. Thực hiện thí điểm cho một số nhóm dễ bị tổn thương để thích ứng với BĐKH (2021-2025);

Xây dựng bản đồ ngập lụt một số sông suối chính trên địa bàn tỉnh (2021-2030); Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa (theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP) (2021-2030); Bố trí, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét (2020-2030); Nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về biến đổi khí hậu, những tác động có hại và giải pháp thích ứng lồng ghép thông qua giáo dục ngoại khóa tại các trường phổ thông (thực hiện hàng năm); Điều tra, đánh giá, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường vùng lưu vực hồ chứa và hạ du các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La (2021-2025)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Phê duyệt kết quả 2 nhiệm vụ về biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO