Sơn La: Nỗ lực triển khai phân loại rác tại nguồn
(TN&MT) - Thực hiện lộ trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, ưu tiên triển khai trước với những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
"Đến từng ngõ, gõ từng nhà"
Gần 3 tháng nay, đã trở thành thói quen, cứ khoảng 7 giờ tối, bà Nguyễn Thị Hà (phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La) lại nhanh nhẹn phân loại rác thải của gia đình mình theo các nhóm rác thải thực phẩm và các chai, lọ nhựa... rồi đem ra điểm tập kết.

Sở TN&MT Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu trước ngày 31/12/2024, tất cả các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đến hết năm 2025, triển khai phân loại rác trên toàn tỉnh, trong đó, 100% tổ chức, cá nhân được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn tại các khu vực đô thị đạt 90%.
Bà Hà chia sẻ: “Gia đình tôi chủ yếu chỉ có 2 loại rác thải như thế, còn các loại rác thải khác hầu như không có. Những ngày đầu thực hiện, tôi cũng khá lúng túng, cũng có khi để nhầm rác vào loại túi không đúng như hướng dẫn. Giờ thì quen cách thức phân loại, quen giờ mang rác ra điểm tập kết và quen giờ thu gom rồi. Tôi thấy việc phân loại rác không khó như đã nghĩ trước đây, lượng rác của gia đình thải ra đã giảm hẳn, lại còn bảo vệ được môi trường”.
Được biết, thành phố Sơn La là địa phương được UBND tỉnh lựa chọn triển khai thí điểm phân loại CTRSH tại nguồn, từ đó, hướng tới thực hiện phân loại rác trên toàn tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ trên, UBND thành phố tiếp tục lựa chọn tổ 7 phường Tô Hiệu để thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng toàn thành phố.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy chi bộ, lãnh đạo tổ dân phố, các đoàn thể, các nhóm trưởng, nhóm phó nhóm liên gia tự quản, sau những bỡ ngỡ ban đầu, giờ đây, phân loại rác đã dần trở thành thói quen của các hộ dân tổ 7. Đến nay, 100% số hộ đã thực hiện phân loại rác, kết quả thu gom với khối lượng rác hữu cơ khoảng 80 - 90 kg/ngày; rác vô cơ khoảng 300 - 350kg/ngày, tỷ lệ hữu cơ đạt 25 - 26%.
Từ kết quả trên, UBND thành phố đã giao các phòng ban chuyên môn, UBND 6 phường còn lại xây dựng kế hoạch để thực hiện phân loại rác. Điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới hương ước/quy ước/quy định bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại rác tại nguồn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Làm việc, thống nhất với Công ty CP môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La về vị trí, thời gian, quy mô tiếp nhận chất thải tại các trạm trung chuyển, đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương. Thành lập các tổ kiểm tra, giám sát để đôn đốc việc thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH tại nguồn.
Cùng với thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu đã ban hành Đề án triển khai thực hiện mô hình điểm về phân loại CTRSH tại nguồn tại thị trấn Nông trường Mộc Châu và thị trấn Mộc Châu. Còn tại Mai Sơn, Huyện ủy Mai Sơn đã thành lập Tổ công tác thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình gắn với phong trào 3 sạch "sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ". Hội Liên hiệp phụ nữ huyện - cơ quan thường trực Tổ công tác đã tuyên truyền, vận động trên 31.400 hộ gia đình thực hiện phân loại rác; duy trì 27 tổ thu gom rác thải tự nguyện của Hội viên Hội cựu chiến binh tại 6 xã.
Đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền
Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đã ban hành quy định cụ thể về cách thức phân loại, lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đây là hành lang pháp lý, hướng dẫn quan trọng trong việc triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

"Để thực hiện phân loại rác tại nguồn đảm bảo đúng lộ trình theo quy định, công tác thu gom, phân loại rác phải được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó UBND các cấp, nhất là cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt. Các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện; tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện" - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.
Trước mắt, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý CTRSH, trọng tâm là thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Xây dựng kế hoạch, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phân loại rác tại nguồn, cấp phát đến từng tổ bản, hộ gia đình cá nhân. Tổ chức ký cam kết với cấp xã, phường; xã, phường ký cam kết với các tổ bản; tổ bản ký cam kết với các hộ gia đình, cá nhân về thực hiện phân loại rác. Đưa nội dung phân loại rác vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa hàng năm.
Rà soát lại các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về môi trường, tránh phát sinh ô nhiễm. Thành lập các tổ kiểm tra, giám sát của các địa phương, các ban vận động, giám sát thực hiện của các xã, phường, tổ dân phố để vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.