Sơn La: Lên phương án khoan thoát nước để giải quyết ngập úng Bom Bay
(TN&MT) - Ngày 8/8, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cùng đoàn công tác UBND tỉnh đã kiểm tra thực địa khu vực ngập úng thung lũng Bom Bay, bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm, thành phố.
Sau 2 tuần bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2, khu vực thung lũng Bom Bay, bản Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, nước vẫn ngập cao, nhấn chìm hoa màu, tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Hay Lò Văn Tuyến, bản có 133 hộ đang sản xuất tại thung lũng Bom Bay với hơn 60ha hoa màu, cây cà phê, ao cá, lán chăn nuôi đã chìm trong biển nước.
Liên quan đến phương án giải quyết chống ngập úng tại khu vực này, tại cuộc họp với các sở, ngành, UBND thành phố vào chiều ngày 5/8, ông Đặng Ngọc Hậu đã giao Sở Công thương chủ trì, tham mưu thành lập Tổ công tác liên ngành gồm Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, UBND thành phố, UBND huyện Mường La, xã Mường Bú để khảo sát, đánh giá tình hình tổng thể các khu vực ngập, úng trên địa bàn thành phố, trong đó, đánh giá chi tiết khu vực Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp về phương án nổ mìn, hoặc phương án khoan để thoát nước khu vực Phiêng Hay, xã Chiềng Xôm. Đề xuất cơ quan trình, cơ quan thẩm định phương án xử lý ngập úng khu vực Phiêng Hay.
Sau khi kiểm tra, ghi nhận thực địa ngày 8/8, khu vực này nước vẫn đang rút rất chậm. Theo tham vấn của các đơn vị, phương án nổ mìn dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn phương án khoan thoát nước. Do đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở ngành, UBND thành phố, huyện Mường La tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ đã được giao trước đó.
Sau khi xác định phương án thoát nước, yêu cầu UBND thành phố, huyện Mường La tổ chức cảnh báo, trực 24/24 giờ để xử lý trong thời gian khoan nước thoát, không được chủ quan, lơ là; đặc biệt là phía hạ du của huyện Mường La cần chủ động các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai, đảm bảo không để thiệt hại người, tài sản của nhân dân.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, thiên tai vẫn diễn biến rất phức tạp, bất thường.
“Nếu duy trì quả “bom” nước này, chờ nước rút tự nhiên, cộng với những cơn bão, đợt mưa lớn tiếp theo, nước tiếp tục dâng lên, nhất là vào ban đêm hay khi bà con đang đi làm nương, hậu quả ảnh hưởng vùng hạ du là rất lớn. Do đó, yêu cầu phải có phương án chủ động thoát nước, chủ động ứng phó để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất“ đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đặc biệt, nếu giải quyết thoát được nước khu vực này thì có thể áp dụng để thực hiện thoát nước khu vực Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, hiện vẫn còn 39 nhà dân đang bị ngập nước.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp chủ động khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, có các giải pháp phòng, chống thiên tai trong tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.
Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND thành phố, các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tập trung nguồn lực khắc phục thiệt hại thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh, chủ động phòng chống thiên tai trong thời gian tới.