Tài nguyên

Sơn La: Ký cam kết về nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường từ cơ sở

Nguyễn Nga 12/01/2024 - 17:10

(TN&MT) - Ngày 12/1, tại huyện Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2023; triển khai nhiệm vụ ngành tài nguyên môi trường năm 2024.

Tích cực, chủ động hoàn thành tốt 6 nội dung cam kết

Ngày 11/1/2023, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị Ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh năm 2023.

3(1).jpg
Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả ký cam kết năm 2024.

Ngay sau Hội nghị ký cam kết, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các nội dung, tổ chức ký cam kết với 204 Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên toàn tỉnh; 1.376 trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; 164.517 hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn đã ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn.

Đến nay, 12/12 huyện, thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện; công bố, công khai theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua 22 Nghị quyết HĐND thông qua danh mục các Dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; 6 quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý đất đai. Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm hành chính về đất đai, trật tự xây dựng.

1(3).jpg
Các đại biểu dự Hội nghị đánh giá kết quả ký cam kết.

Triển khai thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí số 15 về cảnh quan môi trường đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ trên cơ sở rà soát quy mô, loại hình dự án. Trong năm, đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt 15 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 12 giấy phép môi trường.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải; đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục, camera giám sát truyền trực tiếp qua áp điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật.

Phối hợp xác minh 8 thông tin phản ánh gồm: Ô nhiễm môi trường do hoạt động xả thải của Nhà máy chế biến nông sản BHL; ô nhiễm môi trường tại Chiềng Khương, huyện Sông Mã; đổ rác thải xuống suối Nậm Ma, huyện Thuận Châu; ô nhiễm lòng hồ Thủy điện Hòa Bình; ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần xi măng Mai Sơn; Ô nhiễm xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn; Hàng loạt nhà dân nứt toác vì ở cạnh mỏ khai thác đá tại Thuận Châu. Đồng thời, ban hành 18 văn bản xác minh, chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng 3 chỉ tiêu về môi trường thuộc hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 của tỉnh. Qua đó, có 2 chỉ tiêu đạt 100% theo kế hoạch, là: Tỷ lệ Chất thải rắn khu vực đô thị được thu gom đạt 92,5%; Tỷ lệ chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 84%; 1 chỉ tiêu vượt mục tiêu Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đạt 92,5% chỉ tiêu giao 58%. Các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có hành vi vi phạm đều được kiểm soát, xử lý nghiêm.

Phê duyệt Chương trình Quan trắc môi trường tỉnh năm 2023. Tiếp tục đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng tiến hành lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục có camera theo dõi truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT theo quy định. Đến nay, đã có 6 cơ sở lắp đặt, đạt 100%.

Cùng với đó, đã phối hợp rà soát, thẩm định 17 hồ sơ, dự án có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trình UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 6 khu vực; cấp 3 Giấy phép thăm dò, 6 Giấy phép khai thác; phê duyệt 3 Đề án đóng cửa mỏ; đóng cửa 1 mỏ; thu hồi 1 giấy phép khai thác; phê duyệt kế hoạch đấu giá khoáng sản cho 39/39 mỏ.

Phối hợp với các sở, ngành thực hiện kiểm tra, giám sát, trả lời dư luận xã hội về hoạt động khai thác khoáng sản tại Mỏ đồng bản Ngậm, xã Song Pe, huyện Bắc Yên; Mỏ than Suối Bàng, huyện Vân Hồ; Mỏ than Tường Phong, Tường Tiến huyện Phù Yên…

Đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm

UBND các huyện, thành phố đã thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra vi phạm trong quá trình sử dụng đất, xả thải gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản trái phép. Kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

4(1).jpg
Lễ ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2024.
2(2).jpg
Chương trình ký cam kết giữa các chủ đầu tư khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường năm 2024.

Kết quả, trong năm 2023, đã phát hiện, xử lý 620 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, tổng tiền phạt hơn 4,7 tỷ đồng; 3 tổ chức sai phạm về khoáng sản, số tiền phạt và thu lợi bất hợp pháp trên 3,6 tỷ đồng.

Xử lý 377/442 đơn thư, nội dung chủ yếu về vi phạm trong chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cơ bản được giải quyết đúng quy trình, thủ tục, đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Trong năm 2023, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong thực tiễn, phát huy nguồn lực về tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Ông Đặng Ngọc Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành TN&MT, năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu đã giao ngành TN&MT tiếp tục triển khai thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường. Rà soát, tham mưu, đề xuất bổ sung, hoàn chỉnh, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền cấp tỉnh về tài nguyên, môi trường. Trình UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2025 – 2029.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao đất, cho thuê đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tăng nguồn thu từ đất trong năm 2024. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quản lý đất nông, lâm trường. Thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá việc quản lý sử dụng tài nguyên; thực hiện đánh giá xếp hạng chỉ số bảo vệ môi trường cấp tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025, định hướng 2030 phù hợp với mục tiêu Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra đến năm 2030: Ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện nghiêm các nội dung đã ký kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ Giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương.

Hoàn thành 100% theo kế hoạch chỉ tiêu môi trường trong hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh. Cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo xa. Phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa thông qua hình thức đầu tư công kết hợp xã hội hóa, cung cấp các dịch vụ về khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.ư

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, quản lý khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Chuyển hoạt động thanh tra, kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thiết lập các kênh thông tin để theo dõi, đánh giá, lắng nghe tiếng nói, phản hồi của Nhân dân, doanh nghiệp về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.

Năm 2023, 32 chủ giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã ký bản cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Sau 1 năm thực hiện các nội dung cam kết, về cơ bản các Chủ giấy phép khai thác khoáng sản đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khoáng sản; quan tâm đến quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, quy định về bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, bổ nhiệm giám đốc điều hành theo đúng quy định, lập và phê duyệt thiết kế mỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số Chủ giấy phép khai thác không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Khai thác không đúng thiết kế, chưa đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường; chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường...

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Ký cam kết về nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO