Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu kiến nghị một số nội dung vào định hướng sửa đổi Luật Đất đai. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu cho biết: Qua nghiên cứu, Sơn La nhất trí với dự thảo đề cương Luật Đất đai gồm 17 chương và 254 điều, tăng 3 chương và 42 điều so với Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh Sơn La sẽ có văn bản tham gia ý kiến chi tiết vào các điều, khoản gửi về Tổng cục Quản lý đất đai để tổng hợp.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sơn La có một số kiến nghị, đề xuất tại một số nội dung vào định hướng sửa đổi Luật Đất đai.
Theo đó, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về quy hoạch phải mang tính tầm nhìn, tổng thể, linh hoạt; cần có quy định bổ sung cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất khi có sự thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất trong khu chức năng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Công tác thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đề nghị mở rộng, bổ sung thêm một số trường hợp thu hồi đất để thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận kết cấu hạ tầng theo quy hoạch.
Việc mở rộng các trường hợp thu hồi đất gồm thu hồi đất theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất vùng phụ cận của dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi đất theo phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đã cơ bản giải quyết được nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm hiện nay; và giải quyết các vướng mắc trong thực hiện Luật Quản lý tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu.
Về thu hồi đất đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng, khi hết thời hạn gia hạn (gia hạn 24 tháng và phải nộp một khoản tiền như hiện hành) mà vẫn không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Người sử dụng đất được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn lại và giá trị tài sản gắn liền với đất đã đầu tư hợp pháp.
Điểm cầu tỉnh Sơn La. |
Việc sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh, đề nghị bãi bỏ quy định này. Nhằm đảm bảo công bằng đối với người sử dụng đất có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án (dự án từ nguồn vốn đầu tư công và từ nguồn vốn của nhà đầu tư).
Mặt khác, trên thực tế, đối với các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản (thông qua đấu giá hoặc không đấu giá), thì việc sử dụng đất được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013, Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP). Tuy nhiên, trên thực tế thì các đơn vị không đạt được sự thỏa thuận với người sử dụng đất dẫn đến không thực hiện được Giấy phép khai thác khoáng sản.
Về cho thuê đất, tỉnh Sơn La kiến nghị, hình thức thuê giữ nguyên như quy định hiện hành tại Điều 172 Luật Đất đai năm 2013 cho phép người sử dụng đất được lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất. Theo quy định hiện hành, cho phép người sử dụng đất được quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất mà không giới hạn lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Quy định không cho phép người sử dụng lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần sẽ hạn chế quyền của người sử dụng đất (thế chấp, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất).
Về điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, Sơn La đề xuất phân cấp thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho địa phương, đặc biệt là cho HĐND cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong chỉ tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và đề xuất quy định định mức cao hơn, tránh tình trạng tách dự án để lách luật.