Tại TP Sơn La, hệ thống thoát nước đô thị mới đang trong quá trình đầu tư triển khai xây dựng, chủ yếu là thoát thẳng ra suối Nậm La (chưa qua xử lý), dựa vào khả năng thoát nước tự nhiên. Tại các huyện, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, không có nhà máy xử lý nước thải. Phần lớn các hệ thống thoát là hệ thống thoát nước chung, thu gom cho cả nước mưa và nước thải.
Về phía các bệnh viện, dù đã được đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, tuy nhiên hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại một số bệnh viện hoạt động không hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động do không đủ kinh phí duy trì, thiết bị xử lý xuống cấp do không được bảo dưỡng thường xuyên… Các trạm y tế xã, phường hầu hết chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Việc phát sinh nước thải y tế tại các cơ sở y tế tư nhân khó kiểm soát, có khả năng bị trộn lẫn trong nước thải sinh hoạt xả thải ra môi trường.
Trước thực trạng trên, tỉnh Sơn La đã xây dựng định hướng phát triển thoát nước đô thị, các khu công nghiệp, các bệnh viện, cơ sở y tế đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2025, sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tách riêng với hệ thống thoát nước mưa, nước mặt tại TP Sơn La. Tại các đô thị khác, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa hoàn chỉnh theo lưu vực các suối thuộc lưu vực sông Đà và lưu vực sông Mã, tận dụng diện tích mặt nước sẵn có để tạo thành các hồ điều hòa, hạn chế triệt để ngập úng cục bộ và tạo cảnh quan môi trường trong đô thị. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị theo hình thức thoát nước nửa riêng đối với các đô thị loại IV; ưu tiên đầu tư các khu xử lý phi tập trung cho các đô thị loại V và các điểm dân cư.
Cụ thể, tại TP Sơn La, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sẽ đạt từ 90-100%; các đô thị loại IV đạt 70%; đô thị loại V đạt 40-50%. 100% nước thải của khu công nghiệp được xử lý cục bộ đảm bảo quy chuẩn trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước đô thị. 100% nước thải của bệnh viện tuyến tỉnh, 90% nước thải của bệnh viện tuyến huyện, các cơ sở y tế được thu gom, xử lý. 20-30% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn được tái sử dụng để tưới cây, rửa đường đô thị và các nhu cầu khác.
Về thoát nước mưa, chống ngập úng, tại TP Sơn La đạt trung bình trên 90-100%, các đô thị còn lại từ 70-80%. Tại các khu công nghiệp, các bệnh viện có hệ thống thoát nước mưa hoàn chỉnh, tách riêng với hệ thống thoát nước thải.
Để đảm bảo công tác vận hành, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí vận hành và bảo dưỡng khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động cho đơn vị quản lý vận hành theo lộ trình giảm dần từ mức hỗ trợ 60% (giai đoạn 2018-2019) về mức 0% (năm 2030). Việc thu giá dịch vụ thoát nước theo lộ trình tiến tới giảm dần bù đắp từ ngân sách nhà nước với những chi phí liên quan đến thoát nước, thu gom, xử lý nước thải.
Việc xây dựng định hướng phát triển thoát nước đô thị, các khu công nghiệp, các bệnh viện, cơ sở y tế đến năm 2025, tầm nhìn 2030 nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, góp phần kiểm soát ngập úng; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế. Tăng tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình đến hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu thành phố Sơn La đạt đô thị loại II; thị trấn Hát Lót, thị trấn Mộc Châu lên đô thị loại IV vào năm 2019.