Sơn La: Chi trả trên 178 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng cho hơn 40.000 chủ rừng

Nguyễn Nga| 30/12/2021 21:59

(TN&MT) - Năm 2021, toàn tỉnh Sơn La có trên 563.000ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), với số tiền trên 178 tỷ đồng tới 40.317 chủ rừng. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR những năm qua tại Sơn La, không chỉ góp phần tăng thu nhập, mà còn nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tổ tuần tra, bảo vệ rừng xã Co Mạ, huyện Thuận Châu tuần tra bảo vệ rừng.

Năm nay, huyện Thuận Châu có trên 50.000ha rừng, hơn 3.000 chủ rừng được chi trả DVMTR với tổng số tiền 12,2 tỷ đồng. Nhờ nguồn kinh phí này, đã góp phần quan trọng hỗ trợ xây dựng, củng cố các tổ, đội bảo vệ, PCCCR trên toàn huyện. Với các chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, các xã đã vận động bà con mua cây, con giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc, tạo thu nhập ổn định từ nghề rừng.

Còn tại huyện Phù Yên, năm 2021, thực hiện chi trả nguồn kế hoạch của năm 2020, toàn huyện có hơn 33.000 ha rừng được nghiệm thu, thanh toán, với hơn 7,2 tỷ đồng tiền DVMTR, chi trả cho 1.717 chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, bản, UBND xã. Được hưởng lợi từ rừng, bà con đã nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng; chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp, tích cực tham gia trồng rừng, tham gia các tổ đội quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tại cơ sở.

Chi trả DVMTR góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Theo số liệu từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La, hàng năm, với nguồn thu 200-250 tỷ đồng từ tiền DVMTR của 48 cơ sở sản xuất thủy điện, 4 cơ sở sản xuất cung ứng nước sạch, 6 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước, được chi trả cho hơn 40.000 chủ rừng. Trong đó, năm 2020, tỉnh Sơn La có 566.122ha rừng được chi trả DVMTR với 41.144 chủ rừng. Năm 2021, diện tích được chi trả là 563.462ha, với số tiền trên 178 tỷ đồng tới 40.317 chủ rừng.

Đến nay, đã giải ngân 177,9 tỷ đồng, đạt 99,69%; thực hiện thu hơn 236 tỷ đồng tiền DVMTR và hơn 1,5 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế. Việc chi trả DVMTR được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử với tỷ lệ đạt trên 97% tổng số tiền đã chi trả, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cũng theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, năm 2008, Sơn La là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Từ đó đến nay, chính sách DVMTR đã từng bước đi vào thực tiễn đời sống, nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của người dân, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thay đổi rõ nét.

Trong những năm gần đây, tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng từng bước được hạn chế. Năm 2021, toàn tỉnh đã lập hồ sơ 562 vụ vi phạm, giảm 37 vụ so với năm 2020. Thu nhập từ rừng của người dân tăng lên gấp 2-3 lần, chủ rừng quan tâm đến rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác rừng của mình, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng cộng đồng. Trong đó, có hơn 33.837 hộ gia đình, cá nhân được nhận tiền DVMTR với số tiền trên 25 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vân Hồ thực hiện mở tài khoản và chi trả tiền DVMTR cho người dân.

Cùng với đó, có trên 2.000 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức bản, được chi trả tiền DVMTR từ 97 đến trên 130 tỷ đồng mỗi năm. Để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này, trong giai đoạn 2018-2020, Dự án Rừng và Đồng Bằng Việt Nam đã hỗ trợ thí điểm xây dựng 10 mô hình quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR tại 10 thôn, bản thuộc 5 xã của 5 huyện. Qua đánh giá cho thấy mô hình có nhiều triển vọng phát triển, các cộng đồng đã sử dụng tiền DVMTR đảm bảo công khai, minh bạch vào công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển kết cấu hạ tầng tại nông thôn miền núi nhằm nâng cao đời sống người dân. Tại 10 thôn, bản đã thành lập 17 tổ quản lý bảo vệ rừng với 202 thành viên.

Đồng thời, đã thành lập 9 nhóm Phụ nữ tiết kiệm tự quản sử dụng tiền DVMTR, với thiết kế đơn giản, vận hành bài bản và an toàn, gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Qua các năm, mức tiết kiệm tăng dần sinh lời và tích lũy tài sản để nâng cao đời sống.

Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch để xây dựng, nhân rộng mô hình Quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR tại thôn, bản. Dự kiến, sẽ triển khai tới cộng đồng dân cư thôn/bản được nhận tiền DVMTR hàng năm, tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chi trả trên 178 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng cho hơn 40.000 chủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO