Sóc Trăng: Ban hành kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển

Lê Hùng| 14/11/2020 00:23

(TN&MT) - Sóc Trăng sẽ tập trung đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển theo quy định của Pháp luật.

Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp

Sóc Trăng nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Công, cuối nguồn sông Hậu và tiếp giáp biển Đông. Ngoài những đặc điểm tương đồng với các địa phương khác trong vùng, Sóc Trăng còn có những lợi thế khác biệt, như tiềm năng và cơ hội phát triển năng lượng sạch, cảng biển, logistics, du lịch biển…

Nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, vừa qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, Kế hoạch 5 năm (2020- 2025) tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung xác định ranh giới quản lý trên biển với các tỉnh lân cận, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về biển, đảo hiệu lực, hiệu quả, tránh các hành vi chồng lấn, tranh chấp trên biển; đồng thời rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên các khu vực biển, quy định về quản lý các xã đảo, các cồn, bãi ngầm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là khai thác tốt lợi thế đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, chuyển đổi các mô hình nuôi nhỏ lẻ, sang nuôi công nghiệp quy mô lớn; chuyển dịch ngư trường từ vùng biển ven bờ sang đánh bắt xa bờ; rà soát, điều chỉnh và phát triển các khu, cụm công nghiệp ven biển đảm bảo thuận lợi giao thông thủy bộ, trong đó chú trọng đầu tư khu công nghiệp Trần Đề; đẩy mạnh phát triển du lịch biển nhằm hình thành các tuyến du lịch Cần Thơ- Sóc Trăng- Côn Đảo; Bến Tre- Trà Vinh- Sóc Trăng- Côn Đảo;...

Đối với Kế hoạch tổng thể thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra các giải pháp như tiếp tục sắp xếp, đổi mới về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên, đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, kiên quyết chấm dứt các hình thức đánh bắt tận diệt thủy sản.

Cùng với đó tiếp tục phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển, đặc biệt là khoáng sản cát; đầu tư cơ sở hạ tầng có tính dẫn dắt phục vụ hoạt động khoáng sản; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, chuyển giao công nghệ lĩnh vực khoáng sản; rà soát, xây dựng và thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển, hải đảo thuộc thẩm quyền.

Song song với đó, tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ tập trung đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch tại các huyện, thị như Cù Lao Dung, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu; khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề- Côn Đảo; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển...

Trước đó, nhằm tạo động lực cho các địa phương ven biển vươn lên phát triển, ngày 2/8/2016, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng. Đánh giá kết quả sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết, đồng chí Trần Văn Chuyện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị khu vực biển, vùng ven biển đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân, GRDP bình quân đầu người vùng ven biển cao hơn bình quân của tỉnh.

Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh phục vụ chế biến và xuất khẩu; sản lượng khai thác thủy, hải sản vùng biển, ven biển chiếm 90% sản lượng khai thác và nuôi trồng của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực ven biển được quan tâm đầu tư. Công tác bảo vệ môi trường, phát triển rừng, phòng, chống thiên tai được quan tâm thực hiện. Các mặt văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng ven biển được giữ vững, ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Ban hành kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO