Sở TN&MT Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Tuyết Chinh - Hải Ngọc| 31/08/2019 10:55

(TN&MT) - Sở TN&MT Vĩnh Phúc đang triển khai đồng bộ các biện pháp về thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chất lượng phục vụ nhân dân, tạo tiền đề và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh 1
Cán bộ Sở TN&MT Vĩnh Phúc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh

Những dấu ấn

Sáu tháng đầu năm 2019, Sở TN&MT tiếp nhận được 28.351 hồ sơ; trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 26.083 hồ sơ, chiếm 92,00% tổng số hồ sơ (số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn là 23.030  hồ sơ, chiếm 81,23% tổng số hồ sơ; số hồ sơ trả lại là 17 hồ sơ, chiếm 0,06% tổng số hồ sơ); số hồ sơ đang giải quyết là 2222 hồ sơ, chiếm 7,84% tổng số hồ sơ.

Theo Sở TN&MT Vĩnh Phúc, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC), Sở đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-STNMT ngày 18/1/2019 về cải cách hành chính triển khai theo các kế hoạch được giao. Sở đã tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với các TTHC trong lĩnh vực tài nguyên môi trường có thời hạn giải quyết từ trên 10 ngày trở lên.

Với nguyên tắc công khai, minh bạch và phối hợp giữa các bộ phận và cơ quan với nhau; Sở TN&MT tập trung thực hiện thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật; công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân; nhận yêu cầu và trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân. Việc công khai TTHC còn được thực hiện thông qua việc đăng tải trên Website của Sở TN&MT và tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019 cũng được Sở TN&MT chú trọng. Không chỉ xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến về thực hiện giải quyết thủ tục hành chính mà công tác tuyên truyền còn được thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng của Sở và Ban Giám đốc Sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách pháp luật thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; quán triệt, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai.

Nhờ đó, công tác cải cách chành chính của Sở TN&MT ngày càng được củng cố, hoàn thiện; tạo bước chuyển biến căn bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với nhau và giữa các cơ quan hành chính với công dân. Đồng thời, việc liên hệ giải quyết hồ sơ giữa Trung tâm Hành chính công với các Phòng chuyên môn thuộc Sở với các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố được phối hợp hiệu quả, kịp thời.

Đặc biệt, việc hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối Trung tâm Hành chính công tỉnh và huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, tạo nhiều thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và công sức của tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu giải quyết về thủ tục hành chính.

IMG 9315


Điểm “vướng” cần khắc phục

 Sở TN&MT cho biết, ngành TN&MT là ngành quản lý đa lĩnh vực mà hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thường xuyên thay đổi. Các văn bản QPPL giữa ngành TN&MT, Cục thuế, ngành xây dựng còn nhiều bất cập,  chồng chéo nên nhau gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết hồ sơ.

Trong khi đó, việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông còn nhiều khó khăn do một số TTHC còn những bất cập trong cơ sở pháp lý, hướng dẫn thực hiện của các cơ quan Trung ương.

Hơn nữa, công cuộc cải cách hành chính cần phải có thời gian và sự nỗ lực vào cuộc của nhiều cấp nhiều ngành, nhất là sự quyết tâm, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của mỗi cán bộ công chức và người lao động trong bộ máy nhà nước để trong thời gian tới công tác cải cách hành chính sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Vĩnh Phúc trong thời kỳ hội nhập.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nhìn lại những điểm còn vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác cải cách hành chính, trong 6 tháng cuối năm 2019, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, Sở tích cực triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cho nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện để kiểm soát quy trình giải quyết, thời gian tiếp nhận để kiểm soát số hồ sơ giải quyết, thời gian giải quyết. Đồng thời, quyết liệt trong phân công, phân cấp, bố trí cán bộ làm công tác thẩm định hồ sơ để nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ, hạn chế tối đa tỷ lệ hồ sơ chậm hạn, hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Với các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực TN&MT; các quy trình, thủ tục liên quan đến việc giải quyết hồ sơ hành chính của công dân. Cùng với đó, thực hiện kiểm tra văn bản QPPL; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản QPPL, nhất là các văn bản liên quan đến cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, người lao động.

Song song với đó, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tham mưu lãnh đạo Sở xây dựng các Nghị quyết của HĐND tỉnh về lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường… Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch kiểm tra công  Kiểm soát TTHC tại các các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh theo Kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành .

Ngoài ra, Sở tiếp tục rà soát thủ tục hành chính năm 2019 theo kế hoạch đã đề ra và thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết Thủ tục cấp Giấy chứng nhận từ 30 ngày làm việc xuống còn 20 ngày. Sở cũng thực hiện lồng ghép một số TTHC đất đai để hạn chế tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần, nộp nhiều hồ sơ để tiết kiệm được chi phí của người dân; triển khai việc thực hiện áp dụng tiêu chuẩn ISO điện tử trong quản lý.

Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã cắt giảm thủ tục hành chính ở cấp tỉnh có 87 thủ tục, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết TTHC đối với 63 thủ tục tương đương với 72%. Thời gian cắt giảm các thủ tục từ 11 - 52 %. Cụ thể, cắt giảm TTHC ở lĩnh vực đất đai có 20/34 thủ tục; lĩnh vực bảo vệ môi trường có 11/18 thủ tục; lĩnh vực khoáng sản 16/18 thủ tục; lĩnh vực tài nguyên nước có 12/14 thủ tục; lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu có 2/3 thủ tục. Đối với cấp huyện đã cắt giảm 2 thủ tục trong lĩnh vực đất đai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở TN&MT Vĩnh Phúc: Tạo đột phá trong cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO