Năm 2018, Sở TN&MT Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 109/KH - STNMT ngày 19/01/2018 về hoạt động kiểm soát TTHC; các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính. Gắn hoạt động kiểm soát TTHC với nhiệm vụ chuyên môn của từng phòng, đơn vị nên đã mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, người dân khi thực hiện TTHC trong lĩnh vực TNMT.
Để đạt được những kết quả tốt Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã thực hiện tốt công tác niêm yết công khai, minh bạch các quy định thủ tục hành chính (TTHC) là một phần việc quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính nhằm góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, người dân.
Đối với việc tiếp nhận và giải quyết TTHC, từ ngày 01/01/2018 đến 15/12/2018, Sở TN&MT đã tiếp nhận và giải quyết 892 hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, đã giải quyết đúng hạn 808 hồ sơ, đang hạn giải quyết 84 hồ sơ, 100% hồ sơ đều được tiếp nhận qua một cửa liên thông. Các hồ sơ được tiếp nhận đúng thành phần, giải quyết đúng trình tự quy định. Hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận một cửa đều được vào sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và có phiếu theo dõi giải quyết.
Sở TN&MT cũng đã tiếp nhận và giải quyết 96.023 hồ sơ của hộ gia đình, trong đó tồn đọng của năm trước đó là 2.412 hồ sơ, tiếp nhận mới 93.611 hồ sơ; hồ sơ đã giải quyết 93.745 hồ sơ trong đó đúng hạn 88.912 hồ sơ, trễ hạn 4.833 hồ sơ; Hồ sơ đang giải quyết 2.936 hồ sơ trong đó còn hạn giải quyết 2.543 hồ sơ, trễ hạn 393 hồ sơ.
Việc thành lập Văn phòng đăng ký một cấp cũng đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng trong việc giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân, cụ thể: Hồ sơ tồn đến ngày thành lập Văn phòng một cấp là 4.102 hồ sơ; đến 15/12/2018 xuống còn 2.936 hồ sơ (giảm 29%, tương ứng giảm 1.166 hồ sơ). Trong khi đó, số lượng hồ sơ đầu vào cần giải quyết cho người dân ngày càng tăng, trước khi thành lập nhận khoảng 4.000/tháng, nay nhận khoảng 5.000 hồ sơ/tháng tăng 25%.
Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sở được Sở TN&MT đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Nhiều TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức và hộ gia đình sớm nhận kết quả. Tất cá các thủ tục hành chính đều được giảm từ 10% trở lên so với thời gian quy định.
Trong đó, có nhiều thủ tục giảm từ 20% trở lên, đặc biệt có thủ tục giảm 73% thời gian, cụ thể: thủ tục phê duyệt trữ lượng khoáng sản thực hiện 50/180 ngày, giảm 130 ngày tương ứng 73%; thủ tục xác nhận việc đã thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án chỉ thực hiện 15/30 ngày, giảm 15 ngày tương ứng 50%...
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại TTHCC tỉnh, gồm 106/106 thủ tục được công bố, trong đó: Lĩnh vực đất đai 37 thủ tục, môi trường 12 thủ tục, đăng ký giao dịch bảo đảm 09 thủ tục, đo đạc và bản đồ 02 thủ tục, khoáng sản 16 thủ tục, tài nguyên nước 14 thủ tục, biển và hải đảo 12 thủ tục, khí tượng thủy văn 04 thủ tục.
Để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở TN&MT đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính. Tại các buổi giao ban, thông qua tổng hợp từ Văn phòng Sở về tiến độ giải quyết hồ sơ của các phòng, đơn vị, để kịp thời chỉ đạo thực hiện.
Với sự nỗ lực và kết quả đạt được, Sở Tài nguyên và Môi trường đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc về hoạt động của Sở tại Trung tâm Hành chính công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Sở TN&MT còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang trong quá trình hoàn thiện nên thiếu tính ổn định, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành lại thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thay thế; một số thủ tục hành chính chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến khối lượng các thủ tục hành chính phải đề nghị bãi bỏ, thay đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới khá nhiều; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong tiếp nhận. Biên chế cán bộ làm việc tại Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm Hành chính công còn thiếu, trong khi đó số lượng hồ sơ cần giải quyết ngày càng tăng và được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cơ sở dữ liệu và phương tiện phục vụ còn thiếu chưa đáp ứng.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Xuân Dũng- Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, cho biết: “Trong năm 2019, để phát huy những kết quả đạt được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình tiếp tục bám sát các nhiệm vụ cải cách TTHC được UBND tỉnh giao và thực hiện đúng Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC. Quán triệt, tổ chức thi hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành để thực hiện tốt hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức”.