Số lượng bão cường độ mạnh có xu hướng tăng lên

24/06/2016 00:00

(TN&MT) - Các nhà khoa học tại Viện Khí tượng Thủy văn & Biến đổi khí hậu phân tích cho thấy, do hiện tượng ENSO, nên nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 12-13 cơn/năm. Trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và tập trung vào tháng 8 đến tháng 11. Điều đáng lưu ý là số lượng các cơn bão có cường độ mạnh có thể có xu hướng tăng lên.

Người dân Đà Nẵng chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan 1 (Ảnh: MH)
Người dân Đà Nẵng chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan 1 (Ảnh: MH)

Cảnh giác với lũ lớn, bão mạnh

Mặc dù, đã cuối tháng 6 nhưng nước ta vẫn chưa xuất hiện bão, theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia thì năm nay bão sẽ ít hơn và dồn dập đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Nam bộ vào khoảng tháng 10 – 11, thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015.

Gió mùa mùa hè yếu hơn so với TBNN, sóng trên Biển Đông và vùng ven bờ cũng sẽ có xu hướng lặng hơn so với năm 2015 và TBNN. Tuy vậy, bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm 2016.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, thời điểm bắt đầu mùa mưa tại các khu vực trên toàn quốc có khả năng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 6, 7, 8 ở mức cao hơn TBNN từ 5-15%; các tháng 9 và 10 ở mức thấp hơn TBNN từ 5-15%. Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ sẽ tập trung từ tháng 6 - 8, cần đề phòng các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn.

Lượng mưa tại khu vực Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8 ở mức thấp hơn TBNN từ 15 - 30%; các tháng 9 và 10 ở mức cao hơn TBNN từ 5 - 15%. Đặc biệt tình trạng thiếu hụt lượng mưa ở Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ còn tiếp tục kéo dài đến khoảng tháng 9. Lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ các tháng 6, 7, 8 ở mức thấp hơn TBNN từ 15-30%; các tháng 9 và 10 ở mức cao hơn TBNN từ 5-15%.

Mùa lũ chính vụ trên các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện đúng theo chu kỳ TBNN với 2-3 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ năm trên các sông phổ biến tương đương đỉnh lũ năm 2015; trên một số sông suối nhỏ khu vực miền núi đỉnh lũ có khả năng vượt mức báo động 3 (BĐ3), các sông chính ở thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long ở mức trên BĐ2 đến BĐ3, hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội dưới mức BĐ1, hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức trên BĐ1. Tương tự như năm 2015, lũ muộn có khả năng xảy ra, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn.

Ông Lê Thanh Hải cho rằng, thông thường vào các năm trước, từ tháng 4 - 5 đã có bão trên biển Đông hoặc khu vực Thái Bình Dương, gây mưa lũ ở miền Bắc và miền Trung, sau đó xu thế đổ bộ của các cơn bão dịch chuyển dần về Nam Trung bộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016 đến nay vẫn chưa có cơn bão nào.

“Cuối tháng 5 chỉ có một vùng áp thấp nhiệt đới hình thành ở giữa biển Đông nhưng di chuyển ngược lên phía Bắc và nhanh chóng suy yếu ở khu vực bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Từ năm 2015 đến nay, bão có xu thế xuất hiện muộn và ít hơn, nguyên nhân là do ảnh hưởng của chu kỳ La Nina” - ông Lê Thanh Hải nhận định

Địa phương cần chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, từ đầu năm 2016 tới nay, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, hơn 475.000 hộ dân bị thiếu nước, 290.000 ha lúa, hoa màu và hơn 161.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại. Cũng theo Ban chỉ đạo cho biết có hơn 19.000 gia súc và 44.000 gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do thiên tai lên tới trên 9.730 tỉ đồng, trong đó có 700 tỉ đồng do rét, hạn mặn 8.906 tỉ đồng, 128 tỉ đồng do giông, lốc, sét và cao hơn mức tổng thiệt hại do thiên tai của cả năm 2015 là 8.114 tỉ đồng.

Trong năm 1997 - 1998, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng El Nino có cường độ tương đương với kỳ El Nino hiện tại. Hiện tượng này sau khi kết thúc vào năm 1998 thì đến năm 1999, Miền Trung đã phải gánh chịu cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm nhiều huyện, thị xã làm 500 người bị chết, thiệt hại tài sản lên tới 3.800 tỷ đồng.

Trước tình hình này, trong một Hội nghị giao ban trực tuyến do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, nhiều cảnh báo về mưa bão trong năm 2016 đã được đưa ra. Phó thủ tướng nhấn mạnh: Thiên tai, sự cố liên tục rình rập đòi hỏi chúng ta phải chủ động, ứng phó có hiệu quả với thiên tai. Trước mùa mưa bão này, khái quát những bất cập, cho thấy, công tác dự báo còn bị động trước thiên tai. Các địa phương phải chủ động ứng phó để giảm thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ. Bố trí lại dân cư ở các khu vực hay xảy ra sạt lở đất, tái định cư để giảm rủi ro cho người dân do thiên tai gây ra.

Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong các loại thiên tai thì mưa lũ, lũ quét, mưa bão, sạt lở đất… gây thiệt hại về người lớn nhất. Do vậy, các địa phương cần chú ý trong việc xây dựng các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sơ tán người dân. Những khu vực nào có nguy cơ cao phải kiên quyết di dời ngay người dân ra khỏi đó.

Phạm Thu Hà

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số lượng bão cường độ mạnh có xu hướng tăng lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO