Sở Công Thương Tuyên Quang: Đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách, Sở Công Thương Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đồng hành hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư chuyển đổi mô hình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hướng tới sản xuất xanh, thân thiện môi trường… qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào cuộc đua xanh toàn cầu.
Đa dạng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Xác định thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát thải carbon thấp, tăng trưởng xanh là cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đem lại lợi ích vô cùng to lớn cả về kinh tế và bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu, xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận các phương thức quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi mô hình, đầu tư sản xuất xanh, kiểm soát phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tuyên Quang là tỉnh có tiềm năng phát triển các dự án thủy điện do có hệ thống sông, suối khá dày đặc, lưu lượng nước lớn, ổn định. Theo đó, tỉnh cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn điện như thủy điện, điện sinh khối và các dạng năng lượng tái tạo khác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy thủy điện tổng công suất 480MW, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương đưa 12 dự án thủy điện, tổng công suất trên 250 MW vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, Tuyên Quang còn có 2 nhà máy điện sinh khối sử dụng nguồn nguyên liệu là bã mía, vỏ cây, mùn cưa để sản xuất điện. Là một trong những tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trong cả nước, tỉnh luôn ưu tiên, thu hút đầu tư phát triển các dự án chế biến nông, lâm sản. Các sản phẩm phế thải của các dự án chế biến nông lâm sản sẽ là nguồn nguyên liệu để sản xuất điện cho các dự án điện sinh khối, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường trong việc xử lý các phế thải. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế đó, trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, tỉnh Tuyên Quang có 1 dự án điện sinh khối công suất 50 MW. Đồng thời khảo sát đánh giá trữ lượng, tiềm năng các điện mặt trời, điện gió, thủy điện vừa và nhỏ… kịp thời bổ sung vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia.
Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đồng thời phải thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm giảm thiểu tác động không tích cực đến đời sống dân cư, đáp ứng các quy định, điều kiện xây dựng, đảm bảo mang lại lợi ích cho nhân dân ở thượng lưu và hạ du các công trình thủy điện.
Nhằm khuyến khích thúc đẩy công nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thân thiện môi trường, Sở Công Thương Tuyên Quang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 về quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương; Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 24/9/2021 phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn…
Giai đoạn 2021 - 2023, Tuyên Quang đã thực hiện được 40 đề án khuyến công quốc gia và địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,8 tỷ đồng (kinh phí khuyến công quốc gia trên 5,5 tỷ đồng; kinh phí khuyến công địa phương trên 3,3 tỷ đồng). Trong đó hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất gỗ ván sàn xuất khẩu 1 tỷ đồng; Hỗ trợ 46 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất kinh phí trên 7,0 tỷ đồng; Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương, 470 triệu đồng; Tổ chức 1 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, công nhận và cấp giấy chứng nhận cấp tỉnh cho 17 sản phẩm, 5 sản phẩm được công nhận cấp khu vực năm 2024; Tổ chức 3 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công trên địa bàn huyện Na Hang, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang; Thực hiện 2 đề án về thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, các mô hình hoạt động hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ 3 cơ sở chi phí tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm.
Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 - Cục Công Thương địa phương thực hiện hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho 10 cơ sở công nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 3,7 tỷ đồng; Khảo sát, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục duy trì “lực đẩy” từ công tác khuyến công
Tuyên Quang định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ở những nơi có những trục đường huyết mạch giao thông và bố trí tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh thành 3 vùng quan trọng, gồm: Vùng 1: Vùng đô thị, công nghiệp trọng điểm Phía Nam; Vùng 2: vùng kinh tế nông, lâm nghiệp; Vùng 3: vùng kinh tế gắn với du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Xác định Vùng 1 là vùng được định hướng là công nghiệp trọng điểm, vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án có công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm đất đai, có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; Sở Công Thương đang xây dựng dự thảo, xin ý kiến tham gia của các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố về Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn đến năm 2030 dựa trên các tiềm năng, lợi thế thực tế của từng địa phương, từng lĩnh vực của ngành.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ, Sở Công Thương đề xuất cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững gắn xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất với người trồng rừng, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Duy trì quy mô, công suất các nhà máy sản xuất giấy, giấy đế, vàng mã hiện có, rà soát và thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Hiện, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này đã ưu tiên lựa chọn nguyên liệu này như Woodsland, An Hòa... Đồng thời, đối với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, Sở sẽ hỗ trợ chuyển đổi công nghệ, dây chuyền thông qua nguồn vốn của Quỹ khuyến công Trung ương và Khuyến công địa phương.
Hay trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất kim loại, sửa chữa cơ khí; công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, nhựa, Sở Công Thương nhấn mạnh yêu cầu không khuyến khích các dự án sản xuất hóa chất độc hại, các dự án nhuộm ảnh hưởng môi trường; Phát triển công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh bền vững và thân thiện với môi trường…
Những định hướng và giải pháp xanh từ chủ trương đến hành động của tỉnh Tuyên Quang sẽ tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững, đồng thời là “bệ đỡ” góp phần củng cố năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó đáp ứng những yêu cầu mới, phù hợp với xu thế và phát triển bền vững trong tương lai.