Tất cả các dòng sông đều ô nhiễm
Theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), hiện nay các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Hiện tượng ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, nhiều khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp hiện tương ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tại các con sông tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm. Chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như: BOD, COD, NH4, N, P cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3 /ngày) và công nghiệp (khoảng 240.000 m3 /ngày) không được xử lý đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn tại vùng Châu Thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Ngoài ra, nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất như các lò mổ và ngay cả bệnh viện (khoảng 7.000 m3 mỗi ngày, chỉ 30% là được xử lý) cũng không được trang bị hệ thống xử lý nước thải.
Xả thải vào nguồn nước. Ảnh minh họa |
Không chỉ nước mặt, nguồn nước dưới đất ở nước ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác... Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp, đặc biệt là ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác nước quá mức cũng sẽ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Nhiều tổ chức, cá nhân nhân khoan khai thác nước dưới đất không thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nước dưới đất còn bị ô nhiễm do việc chôn lấp gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách.
Vẫn theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, những năm gần đây nước biển Việt Nam cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông, các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển. Chất lượng nước biển bị ô nhiễm chủ yếu bởi chất rắn lơ lửng, nitrat, nitrit, colifom, dầu và một số thành phần kim loại nặng.
Nguyên nhân vì đâu?
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước khá đa dạng song “thủ phạm” chính lại là nguồn nước thải.
Đối với nước thải sinh hoạt, hiện nay việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ lượng nước thải của thành phố còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở cả nông thôn và đô thị. Phần lớn sông, ngòi, kênh, rạch chảy qua các đô thị đều bị ô nhiễm, các sông ngòi nhỏ trở thành nơi chứa nước thải…
Đối vớ nước thải công nghiệp, làng nghề, tại các khu công nghiệp việc đầu tư và áp dụng các công nghệ xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu, 70% các KCN không có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc một số cơ sở sản xuất có xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn cho phép…
Ông Ngô Chí Hướng (Cục Quản lý Tài nguyên nước) cho biết, nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất. Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nông dược và phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật trong nhiều năm qua đã gây nhiều tác động tiêu cực tới chất lượng nguồn nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thuỷ sản, thì các thức ăn dư lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc…
Ngoài ra, rác thải hiện cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước. Khả năng thu gom rác thải sinh hoạt ở nhiều khu vực đô thị và nông thôn hiện nay còn rất hạn chế, nhiều nơi còn không có đơn vị thu gom nên người dân đã đổ rác thải bừa bãi không những gây ô nhiễm nghiêm trọng các dòng kênh, sông, các tầng chứa nước mà còn làm tắc nghẽn dòng chảy.
Đồng bộ các quy định của pháp luật về xả thải
Nhằm thống nhất quản lý nước thải, ông Ngô Chí Hướng (Trưởng phòng pháp chế - Cục Quản lý Tài nguyên nước) cho biết: Pháp luật tài nguyên nước đã có nhiều quy định đồng bộ và cụ thể.
Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết, quyết định khuyến khích xử lý nước thải, nhận thức của người dân và cả những cơ quan quản lý đã có sự biến chuyển tích cực về xả nước thải, xử lý nước thải từ gốc phát sinh đến các hệ thống xử lý nước thải tập trung được quan tâm, xây dựng tại các khu đô thị, dân cư, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.
“Thực thi, tuân thủ những quy định của luật pháp trong thực tế luôn là là mục tiêu đòi hỏi cho từng các nhân, tổ chức, cho cả hệ thống chính trị. 10 hành vi bị nghiêm cấm với 9 nguyên tắc quy định của Luật năm 2012 thực sự là kim chỉ nam kiểm soát các khâu trong quản lý nước nói chung và nước thải nói riêng” – ông Ngô Chí Hướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, một điểm mới của Luật tài nguyên nước quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư và công khai thông tin về các nội dung khi triển khai dự án có sử dụng, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước…
Vẫn theo ông Hướng, hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, phân bổ, quan trắc, giám sát, đăng ký xử lý nước thải được quy định cụ thể và tổ chức thực hiện đồng bộ nhằm xác định rõ khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước cho tất cả các lưu vực sông làm sáng tỏ quan điểm đúng đắn để quản lý tài nguyên nước bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Điều này cũng thể hiện quyết tâm chính trị trong chỉ đạo thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, thành lập 06 Tổ chức lưu vực sông chính.
Có thế nói, xả nước thải vào nguồn nước là hoạt động cần được quản lý, kiểm soát bởi nhiều ngành, lĩnh vực ở khắp các địa phương. Tuy rằng luôn có sự giao thoa hoặc chồng lấn trong những quy định khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhưng đều có chung một mục đích căn bản là giảm thiểu tác hại do ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và quản trị ngành nước hiệu quả, bền vững.
Để quản lý tốt công tác xả thải vào nguồn nước, các nhà quản lý tài nguyên nước đang nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước hoặc thực hiện việc ký quỹ để thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật. Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Minh Trang