(TN&MT) - Bộ TN&MT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc để đề xuất, sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế
Theo Bộ TN&MT, Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã quy định về các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ); nguyên tắc đấu giá đất; điều kiện để thực hiện đấu giá QSDĐ; trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp đấu giá QSDĐ; cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người trúng đấu giá; trường hợp hủy quyết định công nhận trúng đấu giá đất; quy định giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Các quy định của pháp luật về đấu giá QSDĐ được ban hành kịp thời, đầy đủ đã bảo đảm cho việc đấu giá QSDĐ được thực hiện công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia, nhất là lợi ích của Nhà nước, hạn chế được tiêu cực, thất thoát, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Chính vì vậy, hoạt động đấu giá QSDĐ được thực hiện ở các địa phương trong cả nước đã dần đi vào nền nếp, tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, người dân, là hình thức phổ biến trong giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước, chống thất thoát tài sản Nhà nước.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn phát sinh những vấn đề chưa được pháp luật quy định, gây tình trạng đất đai còn bị lãng phí, chưa phát huy được giá trị, điển hình như: Quy định chưa rõ ràng việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực…
Do đó, tại một số địa phương đã xuất hiện một số hạn chế, tồn tại: hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh - quân đỏ”; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”; trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm bán ra các lô đất đã mua gom trong khu vực nhằm thu lợi…
Sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi để phù hợp thực tiễn
Để giải quyết các tồn tại, hạn chế trên, Bộ TN&MT đang tham mưu cho Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sẽ ban hành trong thời gian tới), cụ thể: quy định quyền, trách nhiệm và điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá QSDĐ (quy định về mất tiền đặt trước hoặc tiền đặt cọc khi không tham gia hoặc từ chối kết quả trúng đấu giá hoặc hủy kết quả trúng đấu giá; điều kiện phải nộp tiền đặt trước bằng mức tối đa theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và tiền đặt cọc theo giá trúng đấu giá ngay tại phiên đấu giá và trước khi ký biên bản đấu giá).
Quy định trường hợp đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư phải có cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với số vốn đầu tư đến khi hoàn thành dự án; quy định áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất làm giá khởi điểm đấu giá QSDĐ để thuận lợi cho việc tổ chức các phiên đấu giá QSDĐ.
Về lâu dài, Bộ TN&MT đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc để đề xuất, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian tới, đặc biệt là các quy định về đấu giá QSDĐ theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cụ thể, tập trung rà soát để quy định thống nhất trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện đấu giá QSDĐ; quy định điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá; bổ sung quy định ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, người trúng đấu giá phải nộp ngay số tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện hợp đồng theo kết quả trúng đấu giá tại cuộc bán đấu giá và phải tính theo giá trị kết quả trúng đấu giá.
Bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá QSDĐ để đầu cơ, thổi giá.
Sửa đổi Luật Đất đai và các luật khác có liên quan để có chính sách tạo cơ chế thuận lợi cho việc thu hồi đất theo quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và làm nhiệm vụ bình ổn giá đất khi thị trường có dấu hiệu sốt đột biến.
Về tổ chức thực hiện, trong thời gian tới, Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các dự án đã được phê duyệt theo quy định để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đấu giá QSDĐ và định giá đất tại các địa phương; nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức thực hiện đấu giá QSDĐ và định giá đất; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về đấu giá QSDĐ và định giá đất.