Sẽ có quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh

18/04/2017 00:00

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam. Theo đó, mức giá điện tuy thấp hơn so với kỳ vọng của khối doanh nghiệp, nhưng bù lại là các khoản ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.

EVN mua điện với giá 2.086 đồng/kWh

Trong quyết định này, Chính phủ đã ấn định mức giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh), thấp hơn so với kì vọng của doanh nghiệp trước đó là trong khoảng 11,2 - 13,2 cent/kWh. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án ĐMT nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% và quy mô công suất không quá 100 MW. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị thành viên được ủy quyền có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với thời hạn hợp đồng 20 năm (kể từ ngày vận hành thương mại), sau đó, 2 bên có thể gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.

Các ưu đãi về thuế được xác định là miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được. Dự án ĐMT cũng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các dự án điện mặt trơi sẽ nhận nhiều ưu đãi
Các dự án điện mặt trơi sẽ nhận nhiều ưu đãi

Về ưu đãi đất đai, Quyết định quy định các dự án ĐMT, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch, UBND cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án ĐMT. Quyết định trên cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án ĐMT có trách nhiệm lắp đặt các thiết bị điện mặt trời phải bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn về công trình theo các quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.

Riêng các dự án trên mái nhà sẽ thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Cụ thể, trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát thừa sẽ được bán cho bên mua điện với giá như dự án nối lưới.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017 - 30/06/2019.

Hoàn thiện cơ chế cho giai đoạn sau

Trong quá trình đăng ký dự án ĐMT, khó khăn lớn đối với chủ đầu tư là phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin bổ sung quy hoạch do phần lớn các dự án ĐMT chưa nằm trong quy hoạch của địa phương.

Điện mặt trời sẽ là xu thế của tương lai?
Điện mặt trời sẽ là xu thế của tương lai?

Nay, Quyết định quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời tổ chức lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Trong đó, nêu rõ diện tích và ranh giới các khu vực phát triển dự án ĐMT; danh mục, quy mô công suất các dự án ĐMT và phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Quy hoạch ĐMT cấp tỉnh sẽ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch ĐMT cấp quốc gia.

Nhìn chung, Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc nhiều năm nay cho phát triển ĐMT. Đó là các vấn đề giá mua bán ĐMT, cơ chế hòa lưới điện quốc gia trong sản xuất ĐMT, quy đổi điện đối với các hộ dân lắp đặt thiết bị sử dụng NLMT có tích tụ dư thừa điện, chính sách hỗ trợ vay vốn cho các chủ đầu tư dự án ĐMT ...

Thời gian thực hiện quyết định trong vòng 2 năm nhằm thí điểm cơ chế. Các chủ đầu tư và chuyên gia vẫn có thể đưa ra góp ý với Bộ Công Thương để hoàn thiện cơ chế áp dụng cho giai đoạn sau ngày 30/6/2019. Đến nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời có công suất từ 20 đến trên 300 MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Trong đó đáng chú ý là 2 dự án của Công ty Đầu tư và Xây dựng Thiên Tân (tại tỉnh Quảng Ngãi và Ninh Thuận) và dự án Tuy Phong do Công ty TNHH DooSung Vina (Hàn Quốc) đầu tư với quy mô 66 triệu USD, công suất 30 MW tại tỉnh Bình Thuận.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO