Sạt lở và suy thoái rừng ngập mặn ở ĐBSCL: Đừng đổ lỗi tại tự nhiên!

01/06/2017 00:00

(TN&MT) - Chỉ tính riêng trong 5 năm (từ 2011 - 2016), diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn còn 179.384 ha năm 2016 (giảm 15.339 ha). Các nhà khoa học cũng xác định được nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển, trong đó, phần lớn là do con người.

Đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Tại nhiều khu vực, xói lở đã uy hiếp trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Toàn vùng hiện có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5 - 45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất). Trong đó điển hình là bờ biển Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình Đại (Bến Tre), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu), khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).

Rừng ngập mặn đang bị suy thoái. Ảnh: MH
Rừng ngập mặn đang bị suy thoái. Ảnh: MH

Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện có 24 khu vực với tổng chiều dài khoảng 113 m có tốc độ bồi lắng từ 3 - 10 m/năm, cá biệt khu vực ngay sau mũi Cà Mau bồi lắng đến 80 m/năm. Cùng với việc xói, bồi, vùng ĐBSCL cũng xuất hiện những khu vực xói, bồi xen kẽ ở 4 khu vực có tổng chiều dài khoảng 95 km.

Trong những năm gần đây, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Nhiều chương trình nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu

Trước tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn các tỉnh ĐBSCL đang diễn biến rất phức tạp, thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của ĐBSCL trước tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát triển rừng ngập mặn ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2014 - 2020, tập trung triển khai các dự án khôi phục rừng ngập mặn ở ĐBSCL. Tập trung đầu tư các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH cho vùng ĐBSCL trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Giai đoạn 2011 - 2015, đầu tư cho giao thông khoảng 32,7% tương đương 59.000 tỷ đồng, thuỷ lợi khoảng 18,5%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến vốn bố trí cho công tác thuỷ lợi khoảng 28% với hơn 21.000 tỷ đồng; lĩnh vực giao thông sẽ đầu tư các công trình trọng điểm kết nối vùng.

Kinh phí bố trí cho khu vực ĐBSCL trong chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH để bảo vệ, khôi phục rừng (giai đoạn 2012 - 2015) là 1.434,8 tỷ đồng/3.232 tỷ đồng, bằng 44,4% cả nước; giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ bố trí trên 4.400 tỷ đồng, chiếm khoảng khoảng 40%.

Công tác nghiên cứu khoa học về xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ở ĐBSCL đã được quan tâm triển khai. Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ trì triển khai một số đề tài nghiên cứu; thí điểm một số giải pháp, công nghệ khắc phục sạt lở, khôi phục rừng ngập mặn, gồm cả kè cứng và tường mềm giảm sóng.

Phạm Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở và suy thoái rừng ngập mặn ở ĐBSCL: Đừng đổ lỗi tại tự nhiên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO