Sạt lở tấn công đê biển Tây

14/10/2014 00:00

(TN&MT) - Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3 gió mùa Tây Ninh thổi mạnh, triều cường dâng cao khiến tình hình sạt lở tại Cà Mau thêm trầm trọng.

   
(TN&MT) - Những ngày gần đây, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3, gió mùa Tây Nam thổi mạnh, triều cường dâng cao, sóng to khiến tình hình sạt lở tại Cà Mau thêm trầm trọng. Tuyến đê biển Tây dài trên 108km đi qua các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân nhiều đoạn đã bị phá vỡ, đe dọa đến nhiều mặt sinh hoạt, sản xuất đời sống xã hội các cụm kinh tế, khu dân cư đô thị ven biển của tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL.
   
  Có tới hơn 75km trong số 108km toàn tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau đang nằm trong tình trạng sạt lở. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau những khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng có chiều dài trên 17km, tập trung tại các xã Khánh Tiến, Khánh Hội, Khánh Bình Tây, Khánh Hải, Nguyễn Việt Khái thuộc các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh. Ông Bùi Văn Đông – Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh Cà Mau, cho biết cơ quan này đang tăng cường thường xuyên canh gác, để kịp thời phát hiện những điểm có nguy cơ sạt lở, báo cáo về Chi cục thủy lợi xin giải pháp xử lý.
   
Giải pháp tình thế…
   
  Vào thời điểm diễn ra cơn bão số 3, tại khu vực Vàm cống Kênh Mới, thuộc địa bàn xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, toàn bộ tuyến bờ kè rọ đá được xây dựng năm 2012 với chiều dài khoảng 400m bảo vệ đê biển Tây đã bị sóng đánh đứt nhiều đoạn. Sóng to, lốc xoáy cũng đã gây sạt lở đai rừng phòng hộ, mái hạ lưu cống, làm tràn nước qua bờ kè rọ đá, sóng đánh trực tiếp vào chân đê, nguy cơ sạt lở và vỡ đê biển Tây đoạn đi qua huyện này rất cao. “Mưa giông sóng đánh rất lớn, lở dần vào vỡ bờ kè rồi xâm phạm đến thân đê” - Ông Phan Minh Giám, Trưởng trạm Quản lý đê điều huyện Trần Văn Thời, phản ánh.
   
   
Kè ngầm tạo bãi đã và đang được triển khai xây dựng để chống sạt lở Mũi Cà Mau ( ảnh : H.Minh)
   
  Đoạn bờ biển từ vàm cống Lung Ranh đến cửa sông Khánh Hội cũng đã bị sóng đánh sạt lở sâu hơn 5m, thu hẹp đai rừng phòng hộ chỉ còn dày khoảng từ 200 đến 400m. Tình trạng sạt lở bờ biển, kè rọ đá, đai rừng phòng hộ cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác, như: Vàm cống Hương Mai, vàm cống Rạch Dinh, vàm cống Tiểu Dừa, đoạn bờ biển từ vàm cống Ba Tỉnh đến vàm cống Đá Bạc; đoạn bờ biển từ cửa sông Mỹ Bình đến cửa Sông Cái Đôi Vàm. Đáng lưu ý, mưa to, gió lớn, triều cường đột xuất dâng cao trong những ngày qua còn làm tràn cục bộ tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh và xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân sống ven biển, ven đê và ven rừng phòng hộ.
   
  Anh Ngô Văn Thăng (ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh), cho biết: “Mọi năm thì không nhưng năm nay cặm kè vậy mà sóng vẫn tràn qua đê. Sóng to, gió lớn hơn mọi năm, thiệt hại đồ bà con nhiều lắm”. Anh Trần Văn Tâm (ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), cho hay: “Nửa tháng nay sóng dữ lắm, bão đợt rồi nước dâng lên ngập nhà luôn, mưa giông gió nước lên bất thường, ngập cả đê, không có chỗ ở nên phải chịu ở đây”.
   
  Diễn biến thực tế tỏ rõ việc xây dựng kè rọ đá bảo vệ đê mà tỉnh Cà Mau thực hiện trong thời gian qua chỉ để đối phó tình thế, không chống chịu được sóng to, gió mạnh trong thời gian dài. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau nếu đê biển Tây bị vỡ sẽ gây thiệt hại đến gần 200.000ha đất sản xuất, kéo theo rất nhiều hộ dân sinh sống ven đê, ven biển, ven rừng phòng hộ lâm cảnh khốn khó.
   
Cần Trung ương hỗ trợ giải pháp căn cơ 
   
  Đê biển Tây tỉnh Cà Mau là tuyến đê trọng yếu, không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông, ngăn mặn mà còn phục vụ cho an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và các tỉnh phía Nam sông Hậu, được Trung ương đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 1990. Do đê làm bằng đất, không có bờ kè bê tông nên đã bị xuống cấp. Giải pháp được cho là có hiệu quả trong việc bảo vệ tuyến đê trọng yếu này đã và đang được triển khai thực hiện tại Cà Mau là xây dựng các tuyến kè ngầm tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ hạn chế sạt lở. Khi bờ kè hoàn thành sẽ tiến hành đổ đất vào phía bên trong kè. Phía bên ngoài bờ kè còn xây dựng thêm hàng rào theo hình “răng lược” kiên cố, có sức chống chọi được với sóng biển lớn, nhằm tạo phù sa bồi đắp tự nhiên.
   
   
Sạt lở đê biển Tây đoạn tại huyện U Minh ( ảnh TTXVN)
   
  Tuy nhiên, giải pháp này đòi hỏi kinh phí rất cao, ngân sách địa phương hạn hẹp. Mặc dù đã được Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cấp đê biển Tây nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với nguồn vốn lên đến 1.300 tỉ đồng, nhưng trong các năm 2013, 2014 nguồn vốn hỗ trợ mà địa phương nhận được từ Đề án này rất hạn chế. Mỗi năm địa phương chỉ nhận được 50 tỉ đồng địa phương đã xây bờ kè tạo bãi được 3km đê, còn lại dùng để bồi trúc, gia cố những điểm sạt lở nguy hiểm.
   
   
Gia cố đê biển Tây ở xã Khánh Tiến, Huyện U Minh ( ảnh CTV)
   
  Ông Nguyễn Long Hoai – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh đang tranh thủ với các bộ ngành Trung ương, đặc biệt các vụ viện, trường thuộc Bộ NN&PTNT để phối hợp, nghiên cứu tìm những giải pháp, khắc phục sạt lở đê biển làm như thế nào cho giảm kinh phí mà chất lượng phục vụ sạt lở tốt hơn, đảm bảo trồng cây khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển Tây, đảm bảo cho nhân dân được an tâm sản xuất sinh sống”.
   
  Trong khi tranh thủ sự hỗ trợ từ phía Trung ương, trước mắt cùng với việc khẩn trương triển khai kế hoạch chống tràn tại các đoạn đê biển bị tràn, gia cố lại hệ thống bờ kè rọ đá đã bị sạt lở, tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, sạt lở; tập trung tuyên truyền, vận động, người dân sống ngoài đê biển khẩn trương di dời vào bên trong nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước những diễn biến bất thường của thời tiết.
   
Bài & ảnh: HÙNG MINH
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở tấn công đê biển Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO