Tốc độ xâm thực ngày càng mạnh
Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ biển ở tỉnh Bình Thuận đang diễn biến rất phức tạp, cứ bước vào mùa mưa đường bờ biển ở một số khu vực trong tỉnh lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và các bãi tắm làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, bờ biển của 3 khu phố: 12, 13 và 14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong liên tục sạt lở, với chiều dài hơn 1.000 m, ăn sâu vào đất liền từ 30 - 80 m làm sập hoàn toàn 29 căn nhà, đe dọa nghiêm trọng hàng trăm căn nhà khác. Còn tại TP.Phan Thiết tình hình xói lở cũng rất nghiêm trọng như ở khu phố 2 và 3 (phường Hàm Tiến); khu phố 5 (phường Đức Long) và thôn Tiến Đức (xã Tiến Thành) là các đoạn bờ biển thường xuyên bị xâm thực bởi các đợt triều cường.
Tương tự, tại thị xã La Gi, bờ biển phường Phước Lộc, xã Tân Phước bị xâm thực hơn 10 năm qua (từ năm 2006 đến nay), chiều dài sạt lở hơn 1.200 m, ăn sâu vào bờ biển từ 80 - 150 m, làm gần 100 căn nhà bị sụp đổ, hư hỏng phải di dời. Huyện đảo Phú Quý cũng có chung cảnh ngộ vì hiện nay, huyện có hơn 10 khu vực bị nước biển xâm thực với tốc độ cao từ 3 - 5m/năm, trong đó có một số đoạn sung yếu bị xâm thực năng với tổng chiều dài trên 1.500m…
Thiếu vốn đầu tư các công trình trọng điểm
Để ứng phó với BĐKH, hạn chế được tình trạng sạt lở bờ biển, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã đầu tư xây dựng hàng chục km kè biển, đê biển kiên cố và tạm thời. Đồng thời triển khai trồng cây để tạo ra bức tường thành vững chắc che chắn sóng gió, chống sạt lở. Tuy nhiên, do diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển, ở nhiều khu vực vẫn rất nghiêm trọng. Do đó, việc thực hiện các dự án xây dựng bờ kè và bố trí người dân đến nơi ở mới là hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mặc dù hiểu được sự lo lắng, sợ hãi của người dân sinh sống ở khu vực bị sạt lở, tuy nhiên việc thực hiện các dự án xây dựng bờ kè và bố trí người dân đến nơi ở mới còn gặp nhiều khó khăn do ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên tỉnh đang phải “cầu cứu” vốn hỗ trợ của Trung ương.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn từ các tổ chức nước ngoài, vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình cấp bách nói trên cho tỉnh Bình Thuận. Song, trong khi chờ đợi được phê duyệt kinh phí, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ban ngành rà soát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc xây dựng công trình, nhà ở, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép làm ảnh hưởng đến bờ biển hoặc gây sạt lở…