Tại Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra, các chuyên gia trong và ngoài nước đã giới thiệu tiềm năng sản xuất, ứng dụng than sinh học tại Việt Nam và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hà Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT), than sinh học được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.
Việc ứng dụng than sinh học tại Việt Nam sẽ giúp hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020”, cùng với đó là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và than sinh học có giá trị cao - ông Huế khẳng định.
Tại Hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học trên thế giới.
Than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường. Với đặc tính như một bể chứa Cacbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất và đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất. Khi chôn dưới đất, sau phân hủy sẽ cho ra một loại phân bón hữu cơ, đây là một loại phân bón tốt và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng hoặc có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi gia cầm.
Theo đó, than sinh học có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính...
Hiện nay, nguồn nguyên liệu sản xuất than sinh học ở Việt Nam rất phong phú và giá thành rẻ như: Xương động vật, vỏ cua, vỏ ốc hến, tro bếp, xác của các loại động thực vật, các loại cây thủy sinh (tảo, bèo..), vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ đậu phụng, bã mía, vỏ dừa, vỏ ca cao cho đến cây tre, lau sậy, phế thải từ khai thác rừng, cùng rất nhiều các chất thải xanh khác. Tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có, rẻ tiền, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu sang các nước dựa trên yếu tố cạnh tranh về chi phí.
Đại diện UNIDO đã giới thiệu công nghệ nhiệt phân của Thụy Sĩ là giải pháp tiên tiến, chi phí thấp được thiết kế để sử dụng tại Viêt Nam, áp dụng cho mô hình hợp tác xã và nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Lắk. Sản phẩm đầu ra của công nghệ nhiệt phân không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy, sản xuất điện và tạo ra doanh thu cho các nông hộ.
Với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sĩ (SECO), giai đoạn 2020-2022, UNIDO ưu tiên tập trung nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.