Sẵn sàng ứng phó thiên tai mùa mưa bão
(TN&MT) - Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, sẽ có khoảng 12 - 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó, có khoảng 6 - 7 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam vào mùa mưa bão 2021. Do vậy, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi cần sẵn sàng các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của bão như mưa lớn, dông lốc, lũ quét và sạt lở đất.
Dự báo về diễn biến mùa bão năm 2021, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định, từ đầu tháng 6/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía bắc biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Tại khu vực Bắc Bộ, đỉnh lũ trên các lưu vực sông trong khu vực sẽ phổ biến ở mức BĐ1 - BĐ2, cao hơn năm 2020. Các đợt lũ vừa và lũ lớn có khả năng tập trung trong các tháng 8, 9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 6 - 8/2021, trên các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2, trên một số sông suối nhỏ khả năng lên trên BĐ2. Nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Từ tháng 9 - 11/2021, trên các sông có thể xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ phổ biến ở mức BĐ1 - BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3. Các sông, suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Khu vực Nam Bộ từ tháng 6 - 11/2021, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và các sông Nam Bộ. Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức BĐ1 - BĐ2.
Chính vì vậy, các địa phương cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc trong những tháng mùa mưa bão. Tại các tình miền núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ cần sẵn sàng các biện pháp di dời người dân và ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét; 5 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc, trong đó, đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7 - 13/1/2021; 7 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó, 2 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông. Thiên tai từ đầu năm đã làm 19 người chết, 26 người bị thương; 46 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.988 nhà bị hư hỏng, tốc mái, di dời khẩn cấp; 3.895 gia súc, gia cầm bị chết; 30.874 ha lúa, rau màu và 203 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.453m đường giao thông sạt lở. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 112 tỷ đồng.
Trước dự báo về mùa mưa bão sắp tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các địa phương cần sớm hoàn thành việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, đặc biệt là các địa phương có nhiều biến động về nhân sự lãnh đạo ở nhiệm kỳ mới. Xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực các cấp.
Đối với các tỉnh miền núi, để đảm bảo an toàn cho người dân, các địa phương cần triển khai kiểm tra an toàn nơi ở của người dân ở những nơi nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất; các khe, suối; các đập tạm, cống qua đường giao thông, hồ ao nuôi trồng thủy sản phía trên khu dân cư để kịp thời phát hiện xử lý vật cản trên các dòng chảy, tránh gây tắc nghẽn tạo lũ ống, lũ quét. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ứng phó khi có tình huống để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.