Báo Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã có bài viết phản ánh chủ đầu tư Dự án Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân là Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô (thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong) đã “hô biến” 8 tầng khách sạn, văn phòng thành 119 căn hộ thương mại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế, công năng của 8 tầng văn phòng, khách sạn (từ tầng 37 – 45) thành 119 căn hộ thương mại và rao bán rầm rộ trên các phương tiện thông tin, truyền thông và internet. Điều đáng nói ở chỗ, vi phạm của chủ đầu tư đã được chính quyền quận Hà Đông và phường Mộ Lao phát hiện từ sớm và lập biên bản vi phạm nhưng không hiểu vì lý do gì mà những vi phạm không được xử lý triệt để.
Tháng 5/2021, dự án Tháp Doanh nhân tiếp tục bị thành phố Hà Nội nêu tên vì đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Một trong những nhiệm vụ mà Hà Nội yêu cầu công an thành phố thực hiện làm rõ, xử nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng; xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Nhiệm vụ của thành phố rõ ràng là vậy nhưng trao đổi với PV báo TN&MT vào sáng ngày 29/3/2022, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Mộ Lao cho biết: “Dự án Tháp Doanh nhân đến nay vẫn chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo quy định”.
Theo các chuyên gia về nhà ở, các dự án chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng thường có vi phạm về xây dựng như: tự ý thay đổi thiết kế, công năng sử dụng của tòa nhà. Vì thế so với kế hoạch phòng cháy chữa cháy ban đầu được phê duyệt, công trình thường không đáp ứng được. Chủ đầu tư muốn khắc phục thì hoặc phải khắc phục được những sai phạm về xây dựng để đưa công trình về đúng thiết kế ban đầu hoặc xin điều chỉnh để nghiệm thu phòng cháy chữa cháy theo hiện trạng. Tuy nhiên cả hai vấn đề này đều rất khó khăn để thực hiện.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có công văn 757/UBND-NC gửi Công an TP. Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện chỉ tiêu khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào hoạt động năm 2022.
Theo đó, UBND TP. Nội được Bộ Công an giao chỉ tiêu: “Không để phát sinh thêm công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng; 100% công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng phải xây dựng hoàn thiện giải pháp, kế hoạch khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy theo quy định, trong đó, tối thiểu 30% công trình được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trong năm 2022”.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND các quận, huyện, thị xã phải khẩn trương rà soát, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 151 ngày 18/6/2021 của UBND thành phố và chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kéo giảm số công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đưa vào hoạt động trên địa bàn, bảo đảm trong năm 2022 có tối thiểu 30% công trình vi phạm trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã phải được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã làm việc ngay với các chủ đầu tư có công trình vi phạm trên địa bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện; yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, tiến độ, thời gian thực hiện, hoàn thành việc khắc phục đối với từng tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy để sớm tổ chức nghiệm thu và được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định. Cùng với đó, UBND các quận, huyện, thị xã thống kê danh sách công trình vi phạm, nêu rõ lộ trình, tiến độ thời gian thực hiện đối với từng công trình vi phạm trên địa bàn quản lý, gửi về UBND thành phố trước ngày 30/3/2022.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...