Có thể thấy, so với nhiều mô hình, chương trình tổ chức tại trường học đã và đang mang lại hiệu quả nổi trội hơn bởi đây là nơi tập trung đông các em học sinh và việc giáo dục ý thức, hình thành thói quen được thực hiện từ tấm bé.
Với thế mạnh tổ chức phong trào của cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong nhà trường, cách tổ chức quy mô, khoa học, sự tham gia gương mẫu của thầy cô và tinh thần lan tỏa từ bạn bè; đồng thời phong trào được cộng vào điểm thi đua của từng khối, lớp, học sinh… nhiều trường học không chỉ dừng ở phong trào mà đã duy trì hiệu quả chương trình trong nhiều năm, có những đợt thi đua cao điểm, nhà trường thu được hàng tấn rác cho tái chế. “Rác học cùng em” đang trở thành niềm vui bởi các em thấy mình được làm một thành viên sống có trách nhiệm với môi trường.
Các em học sinh đều được hướng dẫn phân loại rác tại trường học. Ảnh: Zing |
Thế nhưng, có một nghịch lý đáng phải suy ngẫm đó là hành vi của các em tại trường học thì sạch, thói quen phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định tại trường đã thành nếp. Nhưng... con đường từ trường ra phố thì… không sạch.
Có lẽ chỉ cần bước chân ra khỏi cổng trường, nhiều học sinh vừa mang rác đến đổi điểm thi đua, hay tích cực thực hiện phân loại rác trong trường lại đã hồn nhiên xả rác mà điển hình nhất là rác từ việc ăn quà. Phải chăng vì tuổi trẻ dễ xao nhãng, hay vì chiếc “camera thi đua” đã khuất tầm quan sát. Và khi vượt ra ngoài khuôn khổ, các em trở về với những gì bản năng nhất, tiện lợi nhất có thể.
Một số thành viên trong các tổ chức hoạt động xã hội đã thực hiện quan sát ở các lứa tuổi cho thấy, sẽ nhận được con số cao hơn trong phong trào phân loại rác từ lứa tuổi học sinh lớn, nhưng ý thức bỏ rác đúng nơi quy định lại nghiêm túc và ổn định hơn ở lứa tuổi học sinh bé. Cùng một nền giáo dục như nhau, cùng tổ chức các phong trào chương trình như nhau, nhưng những học sinh mầm non và tiểu học sẽ nghiêm ngắn với bản thân hơn trong việc thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định tại nơi công cộng, thậm chí nhiều đứa trẻ đã “giám sát” ngược lại trước các hành vi xả rác bừa bãi của người lớn. Vậy tại sao ý thức đó lại mai một khi các em lớn lên? Nhẽ nào môi trường xã hội không phải là tấm gương soi và người lớn không phải là hình mẫu để từ việc không đồng tình với hành vi xả rác, dần dà các em thấy quen mắt và trở thành thói quen tiện lợi khi lớn dần?!
Bé nhớ, lớn quên? Gieo vào những tâm hồn thơ ngây trong trắng ý thức trách nhiệm với môi trường từ thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định và hiểu biết về tái chế quả không quá khó khăn. Nhưng để duy trì thói quen ấy thì thật sự khó bởi sự va đập nhiều chiều của xã hội.
Một câu hỏi cũng được đặt ra đó là sự ngắt quãng, bỏ ngỏ giáo dục và thực hiện hành vi trong trường hợp học online. Trong một điều kiện hạn hẹp, công tác giáo dục đào tạo chỉ dừng ở việc cố gắng truyền tải hiệu quả kiến thức đến học sinh, còn những hoạt động khác tạm thời không quá tham vọng. Nếu gia đình không tiếp nối được cách giáo dục và duy trì thói quen, nếu nhà trường - gia đình - xã hội nóng lạnh không cùng thì những chương trình nọ hay phong trào kia ở trường cũng chỉ như khỏa nước cầu ao, sóng chỉ dềnh lên ở góc được tác động mà thôi.
Vậy nên, chiếc camera bền vững nhất là chiếc camera không chỉ gắn với thi đua trong nhà trường mà phải được định cư trong ý thức mỗi học sinh, theo các em từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành để không chỉ học sinh mà tất cả mọi người đều phải nhận thức được rằng không chỉ “đổi rác lấy quà” mà đổi rác là để lấy tương lai.