Sa Pa- Lào Cai: Chủ động chống rét cho người và vật nuôi

Bích Hợp| 07/12/2020 19:22

(TN&MT) - Sa Pa là một trong những nơi rét nhất của tỉnh Lào Cai, vào mùa đông nhiệt độ của Sa Pa thường giảm sâu xuống 4 đến 5 độ C. Rét đậm, rét hại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Thị xã Sa Pa đã chủ động phòng, chống rét cho người, gia súc và cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.

Bệnh viện tăng cường chống rét cho người bệnh

Từ ngày 4 - 7/12, nhiệt độ ở khu vực thị xã Sa Pa luôn được ghi nhận ở mức nhiệt độ là 5- 7 độ C. Không khi lạnh tăng cường khiến cho người dân và trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn. Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa hiện có khoảng 40 bệnh nhi đang điều trị, chủ yếu trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản phổi, viêm phổi. Khoa Nhi hiện có 60 giường bệnh thực kê, được trang bị 25 máy sưởi dầu. Bởi vậy, dù nhiệt độ ngoài trời rất lạnh, gió buốt, sương mù, nhưng trong phòng bệnh luôn ổn định nhiệt độ khoảng 22 độ C. Trên giường bệnh, người thân và các cháu nhỏ cũng được giữ ấm thêm nhờ đệm, chăn ấm.

Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa tăng cường chăn ấm và quạt sưởi cho bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh

Anh Đoàn Quốc Hoàn, Trưởng phòng Tổ chức, Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa cho biết, hiện Bệnh viện có 140 bệnh nhân đang điều trị; mỗi ngày, Bệnh viện đón tiếp khoảng 100 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Trong đó, đông nhất là bệnh nhi. Thời tiết lạnh giá, trẻ có sức đề kháng yếu, nên dễ nhiễm bệnh. Trong nhiều năm qua, bệnh viện đã trang bị đầy đủ thiết bị sưởi ấm phục vụ bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ chăn, ga, gối với số lượng lớn đủ cung cấp và thay giặt hằng ngày. Ban Giám đốc bệnh viện phân công nhiệm vụ các khoa, phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống rét cho người bệnh, đảm bảo người bệnh được cung cấp dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất trong điều kiện thời tiết rét lạnh như hiện nay. Đồng thời, trước khi đưa vào sử dụng, các thiết bị đã được chúng tôi kiểm tra, bảo dưỡng. Cán bộ y tế cũng thường xuyên nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân chú ý an toàn khi sử dụng các thiết bị điện.

Người dân chủ động dự trữ thức ăn tránh rét cho gia súc

Thị xã Sa Pa hiện có hơn 4.500 hộ chăn nuôi trâu, bò; trong điều kiện đàn gia súc tăng nhanh, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp. Mùa đông tại Sa Pa rét kéo dài kèm theo sương muối khiến cỏ lụi tàn, vì vậy, cần phải tăng cường dự trữ thức ăn cho gia súc. Thị xã Sa Pa tập trung hướng dẫn người dân dự trữ rơm rạ khô, trồng cỏ voi, trồng ngô dày lấy thân lá làm thức ăn xanh và tận dụng phụ phẩm của rau xanh các loại để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông giá rét.

Anh Tẩn A Dơ, dân tộc H’Mông người dân thôn Sử Pán, xã Mường Hoa, cho biết, năm nào vợ chồng anh cũng cất trữ rơm khô để dành làm thức ăn cho đàn gia súc. Anh Dơ cho biết, gia đình làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, mùa thu hoạch lúa không đốt bỏ rơm như trước mà phơi khô, thu gọn về nhà, đánh thành “cây rơm”, phía trên cùng có làm “nón che” cho rơm không bị nước mưa làm thối hỏng. Nhiều hộ khác trong thôn cũng cất trữ rơm khô, ủ thức ăn chua bằng cây ngô non hoặc thân chuối để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông, khi cỏ tự nhiên tàn lụi, khan hiếm.

Người dân trồng và tích trữ lương thực chủ động chống rét cho đàn gia súc

Bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Để phòng chống đói rét cho đàn gia súc trong mùa đông “Một mặt, cán bộ Phòng kinh tế, cán bộ khuyến nông, trạm thú y huyện “bám dân, bám bản” đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc; mặt khác thị xã có chính sách hỗ trợ tiền mua vật liệu (hai triệu đồng/chuồng/hộ nghèo) giúp người dân làm chuồng gia súc”. Ở một số nơi, như xã Tả Phìn, người Mông có “sáng kiến” lập tổ đổi công, sử dụng nguyên liệu đất tại chỗ để làm chuồng gia súc bằng cách “trình tường” dày từ 25-40cm, vừa ấm về mùa đông, vừa mát về mùa hè.

Tính đến nay, toàn thị xã Sa Pa đã có 91% số hộ (4.122 hộ) chăn nuôi đã có chuồng trại cho gia súc, giữ ấm trong mùa đông; cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc. Tuy nhiên, trước mùa đông năm nay, Sa Pa còn 540 hộ chăn nuôi có chuồng trại chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu chống rét và 384 hộ chưa có chuồng trại, hầu hết là những hộ nghèo và cận nghèo ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa. Thị xã Sa Pa đang thực hiện giải pháp vận động họ hàng giúp nhau làm chuồng trại; trường hợp khó khăn sẽ hỗ trợ kinh phí để giúp hộ dân làm chuồng chống rét cho gia súc.

Đặc biệt, thị xã Sa Pa chủ động lập kế hoạch di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp tránh rét bằng cách thống kê cụ thể số hộ đăng ký di chuyển, số lượng gia súc cần “sơ tán”, để liên hệ với chính quyền các xã vùng thấp như Tòng Sành (Bát Xát), Cốc San ( thành phố Lào Cai) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển gia súc tránh rét, vừa bảo đảm nơi chăn thả, vừa phòng chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa Pa- Lào Cai: Chủ động chống rét cho người và vật nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO