"Rừng trúc" xanh hoá Thủ đô
(TNMT) - Công cuộc đổi mới hình ảnh Thủ đô, xanh hoá đô thị không còn là điều lạ lẫm trong những năm qua. Để tiếp tục từng bước phát huy nền công nghiệp xanh, tạo một diện mạo mới cho cửa ngõ Thủ đô, TP. Hà Nội đã triển khai dự án trồng cây trúc và cải tạo vườn hồ Trúc Bạch, nhằm mang lại không gian sống xanh cho nhân dân cũng như tạo điểm nhấn, sức hút của TP. Hà Nội đến đông đảo du khách quốc tế...
Công cuộc đổi mới hình ảnh Thủ đô, xanh hoá đô thị không còn là điều lạ lẫm trong những năm qua. Để tiếp tục từng bước phát huy nền công nghiệp xanh, tạo một diện mạo mới cho cửa ngõ Thủ đô, TP. Hà Nội đã triển khai dự án trồng cây trúc và cải tạo vườn hồ Trúc Bạch, nhằm mang lại không gian sống xanh cho nhân dân cũng như tạo điểm nhấn, sức hút của TP. Hà Nội đến đông đảo du khách quốc tế...
Hà Nội là Thủ đô hơn 1000 năm tuổi, có lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc; cũng là một điểm đến thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước. Để tiếp tục phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, TP. Hà Nội đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu đẹp thêm truyền thống ấy. Không thể không kể đến những tích cực trong việc thay đổi diện mạo Thủ đô.
Trong đó, nhằm góp phần vào công cuộc "xanh hoá" Thủ đô, tháng 11/2023, UBND quận Ba Đình đã triển khai dự án trồng cây trúc và cải tạo vườn hồ Trúc Bạch, đến nay đã cơ bản hoàn thiện. "Rừng trúc" xanh xuất hiện trong lòng thành phố như một điểm nhấn về bản sắc văn hoá và con người Việt Nam.
Kéo dài tuyến đường Trấn Vũ ven hồ Trúc Bạch, giao cắt với đường Thanh Niên (phường Trúc Bạch, Ba Đình), "rừng trúc" như một tấm áo mới được khoác lên, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đơn điệu thường có tại hồ Trúc Bạch.
Nằm trong quy mô diện tích 1000m2, với hàng nghìn cây trúc sào có nguồn gốc từ Cao Bằng, được bài trí một cách khéo léo ven hồ, điều này không chỉ tạo nên một không gian xanh cho người dân Thủ đô mà còn là một điểm đến mới lạ cho du khách quốc tế.
Được biết, các cây trúc đưa về trồng trong khuôn viên hồ Trúc Bạch đều là những cây non, vì vậy, chiều cao mới chỉ khoảng 4-5m. Khi cây trưởng thành sẽ có độ cao trung bình khoảng 9-10m.
Về việc xây dựng không gian "rừng trúc", đội thi công và các kiến trúc sư đã tạo hình trồng các cây trúc sào mọc xen kẽ nhau, bao quanh góc hồ, mỗi cây cách nhau khoảng 15-30cm, tạo một hiệu ứng dày, kín như một khu rừng thu nhỏ giữa lòng Thủ đô. Hơn nữa, để giữ cho các cây trúc thẳng đứng, không nghiêng ngả, đội thi công đã đóng thêm cọc bằng nứa, inox và sử dụng dây thép để định hình thân cây...
Ngoài ra, điểm nổi bật tại "rừng trúc" thu hút khách tham quan không chỉ bởi không gian xanh đặc trưng mà còn là hình thức trang trí, lắp các bóng đèn xen kẽ, ẩn sâu bên trong, khi đến tối, đèn được bật lên sẽ hiện ra một khung cảnh rực rỡ, đẹp mắt và thư giãn cho bất cứ ai đặt chân đến đây.
Không những thế, "rừng trúc" thu nhỏ này còn có bố trí vô cùng tinh tế khi thêm vào đó là một hồ nước nhỏ, xanh trong, nuôi nhiều cá vàng phục vụ cho người dân đến ngắm cảnh, vãng lai...
Diện tích 1000m2 của "rừng trúc" kéo dài từ đầu phố Trấn Vũ đến khu vui chơi cho trẻ em, được bao quanh bởi một số cây trúc con, tạo nên một không gian xanh vô cùng khéo léo và tài tình.