Rừng ngập mặn ở Quảng Ninh: Sinh kế bền vững cho người dân
(TN&MT) - Những cánh rừng bần chua, trang, sú xanh ngút tầm mắt vừa là “lá chắn xanh” bảo vệ đê điều, làng mạc, ao đầm, vừa tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài tôm, cá về sinh sống, giúp cho nhiều hộ dân làm nghề sông nước ở TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có việc làm và thu nhập bền vững.
Sinh kế từ rừng
Trên địa bàn TX.Quảng Yên hiện có hơn 2.600 ha rừng ngập mặn. Hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng khiến rừng ngập mặn của Quảng Yên như một lá chắn xanh vững chắc bảo vệ các tuyến đê biển, đồng ruộng, đầm nuôi trồng thủy sản (NTTS) và cung cấp nguồn lợi thủy sản cho người dân.
Đưa chúng tôi “mục sở thị” cánh rừng ngập mặn với những cây bần chua cao 5 đến 6 mét xen lẫn rừng sú, vẹt xanh ngắt nằm dọc bên bờ con sông Chanh bao bọc làng quê Hà An trù phú, anh Vũ Tống Tuấn, cán bộ địa chính phường Hà An, TX.Quảng Yên chia sẻ: Những cánh rừng ngập mặn được trồng từ cách đây hơn 20 năm, từ chỗ là bãi triều với ít cây sú vẹt, nay đã hình thành nên thành rừng ngập mặn xanh tốt, vừa giúp ngăn chặn bão gió, bảo vệ gần 10km đê, cũng là mái nhà để nhiều loại tôm, cua, cá, ốc trụ ngụ, tạo sinh kế cho người dân ở địa phương.
Hiện nay, Hà An quản lý gần 400 ha rừng ngập mặn tập trung nhiều ở các khu 13, 14 bám dọc bờ sông Chanh và hơn 1.200 ha nuôi trồng thủy sản như tôm, cá, cua. Trong đó, địa phương đã chuyển đổi hơn 150 ha đất cấy lúa kém hiệu quả, diện tích ở vùng trũng sang nuôi tôm, cá cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với cây lúa.
Ông Bùi Đình Truyền, ở khu 11, phường Hà An, TX.Quảng Yên gần như gắn chặt đời mình với nghề bắt cá tại các cánh rừng ngập mặn, đây vừa là sinh kế lâu dài, cho thu nhập khá ổn định đối với những người lớn tuổi như ông.
Theo ông Truyền, từ khi rừng ngập mặn được trồng, chăm sóc và bảo vệ, thì các loại thủy sản trên dòng sông Chanh, cũng như tại các bãi triều tăng lên nhiều. Dù không bằng so với thời điểm chục năm trước đây nhưng cũng giúp người dân trong thôn có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Hà An, TX.Quảng Yên cho biết: Rừng ngập mặn như lá chắn xanh bảo vệ đê điều, ruộng đồng của người dân vừa là nơi trú ngụ của các loài thủy sản tự nhiên đã giúp những người lớn tuổi ở địa phương cũng như vùng lân cận có được nguồn thu nhập đủ sống hằng ngày. Vì vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại địa phương luôn được người dân, cộng đồng dân cư quan tâm, chăm sóc.
Bảo vệ môi trường sống
Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán rừng ngập mặn của Hoàng Tân là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có giá trị kinh tế cao như ngán, sò, tôm, cua. Đây là nguồn lợi thủy sản giúp cho nhiều người dân ở địa phương có thêm việc làm và có nguồn thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Thế, là người nuôi hà treo dây tại xã Hoàng Tân cho biết: Người dân trong xã cũng như các hộ NTTS luôn coi rừng ngập mặn giống như bức bình phong bảo vệ đê điều, làng mạc vào mùa mưa bão. Các loài cây bần chua, sú, trang có tác dụng chắn sóng ngăn sạt lở bờ đất, hạn chế sức gió mùa mưa bão. Rừng ngập mặn còn đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.
Nhận thức được giá trị của những cánh rừng ngập mặn, những năm qua, chính quyền xã Hoàng Tân luôn xác định muốn giữ được rừng ngập mặn thì cốt lõi phải dựa vào cộng đồng dân cư. Vì vậy, tại các thôn đều thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nên tình trạng chặt cây bần, sú làm củi đốt hoặc lấn rừng ngập mặn để NTTS đã không còn.
Ông Ngô Doãn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân chia sẻ: Bằng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự tích cực tham gia của người dân, nhiều năm qua, những cánh rừng ngập mặn ở Hoàng Tân được bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản, tạo ra sinh kế cho người dân địa phương có nguồn thu ổn định cuộc sống, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Được biết, hiện TX.Quảng Yên đang khoanh vùng các khu vực có diện tích rừng ngập mặn và đưa vào diện quản lý chặt chẽ, không quy hoạch các dự án xây dựng vào khu vực có rừng, nhằm bảo vệ những cánh rừng ngập mặn, giúp ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời mở ra không gian phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những cánh rừng ngập mặn, tạo hướng phát triển lâu dài bền vững, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên cho biết: Mặc dù hiện nay trên địa bàn TX.Quảng Yên đang triển khai nhiều dự án, khu công nghiệp được xây dựng. Tuy nhiên, địa phương luôn nỗ lực bảo vệ không gian xanh của những cánh rừng ngập mặn nhằm đảm bảo duy trì cân bằng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống. Với phương châm giữ màu xanh của rừng chính là giữ “lá phổi xanh”, những cánh rừng ngập mặn tạo sinh kế bền vững cho người dân có việc làm thu nhập ổn định.