Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Báo cáo tiến độ triển khai đề án, ông Dương Ngọc Tình – Trưởng phòng Kỹ thuật của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư về các hạng mục công việc của đề án, Tổng cục đã tiếp thu và bổ sung phần đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát chi tiết các hạng mục công việc thực sự cần thiết, giảm bớt các chi phí hợp tác quốc tế, không tổ chức thăm quan các mỏ ở Lào, Campuchia; làm rõ nguồn kinh phí…
Theo ông Dương Ngọc Tình, ngày 28/5/2020, Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT đã họp, thẩm định đề án nêu trên. Căn cứ biên bản Hội đồng thẩm định, ý kiến của các phản biện và thành viên Hội đồng, Tổng cục đã tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện đề án. Trên cơ sở đó, ngày 5/8/2020, Bộ TN&MT có Tờ trình số 31/TTr-BTNMT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án với một số nội dung cơ bản.
Ông Dương Ngọc Tình – Trưởng phòng Kỹ thuật của Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ báo cáo tiến độ triển khai đề án |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là: Đánh giá làm rõ tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ, trọng tâm là các nhóm khoáng sản kim loại, quặng urani, khoáng chất công nghiệp, đá khối làm ốp lát làm cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và sau năm 2030.
Mục tiêu cụ thể nhằm phát hiện, chuyển giao thăm dò, đấu giá quyền khai thác khoáng sản 40-45 mỏ, trong đó có 8-10 mỏ khoáng sản kim loại, 2-3 mỏ quặng urani, 10-15 mỏ khoáng chất công nghiệp và 20-25 mỏ đá ốp lát; khoanh định các khu vực có triển vọng khoáng sản, các khu vực có khả năng tồn tại các mỏ ẩn sâu để tiếp tục đánh giá khoáng sản cho giai đoạn 2025 - 2030 và sau năm 2030.
Đề án có nhiệm vụ điều tra làm rõ hiện trạng mức độ đánh giá, thăm dò, khai thác; tài nguyên, trữ lượng các loại khoáng sản; đánh giá sơ bộ tiềm năng khoáng sản trên các khu vực có dấu hiệu khoáng sản và tiền đề địa chất thuận lợi để lựa chọn các diện tích đánh giá chi tiết; đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên và chất lượng khoáng sản trên các diện tích đã phát hiện quặng và khoáng hóa nhằm phát hiện và lựa chọn các khu vực đủ điều kiện để chuyển giao thăm dò, đấu giá quyền thăm dò hoặc dự trữ khoáng sản.
Ngoài ra, điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản kim loại ẩn sâu ở các cấu trúc địa chất thuận lợi, có tiền đề, dấu hiệu chứa các khoáng sản đến độ sâu 1000 mét; chuẩn hóa các dữ liệu về địa chất, khoáng sản vùng Trung Trung Bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia; thành lập bản đồ phân vùng và dự báo khoáng sản tỉ lệ 1:250.000 vùng Trung Trung Bộ; kiến nghị kế hoạch đánh giá khoáng sản cho giai đoạn 2025 - 2030 và sau năm 2030; đào tạo, nâng cao năng lực công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, phân tích mẫu, địa vật lý và ứng dụng công nghệ thông tin.
Toàn cảnh cuộc họp |
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rà soát lại ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch – Đầu tư để hoàn thiện báo cáo đề án, muộn nhất đến ngày 25/9 trình Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Để hoàn thành tiến độ này, Thứ trưởng đề nghị Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ TN&MT) chủ trì cùng các vụ liên quan có báo cáo thẩm định đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, các đơn vị “chủ công” của đề án này như: Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ; Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, Liên đoàn Vật lý Địa chất có nhiệm vụ lớn thường xuyên phối hợp để thực hiện tốt các công việc được giao trong đề án này.
Phạm vi thực hiện của đề án thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc và vùng núi của thành phố Đà Nẵng.
Đề án bao gồm 4 đề án thành phần: Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản kim loại vùng Trung Trung Bộ; Đánh giá tổng thể tiềm năng quặng urani vùng Trung Trung Bộ; Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản khoáng chất công nghiệp vùng Trung Trung Bộ; Đánh giá tổng thể năng khoáng sản đá khối làm đá ốp lát vùng Trung Trung Bộ.