Quyết sách táo bạo, thành quả tự hào

PV| 20/11/2020 06:13

(TN&MT) - Từ một quyết sách táo bạo, vượt qua tất cả những khó khăn và nghi ngại ban đầu về tính khả thi và hiệu quả, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã khẳng định quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên là vô cùng đúng đắn.

Ngược dòng thời gian về thập niên 90 của thế kỷ XX, dù là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đến 90% nguồn phân đạm - 1 trong 3 nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất của cây trồng. Nguồn cung phân bón bị phụ thuộc vào nhập khẩu, thị trường thiếu ổn định, nên vấn đề làm sao để bảo đảm an ninh nông nghiệp, an ninh lương thực, làm sao để tận dụng lợi thế sẵn có của nền nông nghiệp để trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản luôn là điều quan tâm, trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà mước lúc bấy giờ.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Dù đất nước lúc đó còn nhiều khó khăn, nhưng từ những trăn trở đó, cùng tầm nhìn chiến lược, một quyết sách dũng cảm đã ra đời, đó là xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên để chủ động nguồn cung phân bón trong nước. Đó chính là Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Nhưng vì sao gọi đó là một quyết sách dũng cảm của Chính phủ, của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của Petrovietnam) lúc bấy giờ?

Thứ nhất, vào cuối năm 2000, giá phân đạm có lúc xuống dưới 100 USD/tấn khiến nhiều ý kiến cho rằng Nhà máy Đạm Phú Mỹ sẽ không có hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn nữa là khi đó, nhiều người không tin tưởng rằng ngành Dầu khí Việt Nam có thể làm được Nhà máy Đạm Phú Mỹ, bởi họ cho rằng đó không phải nghề của ngành Dầu khí mà là của ngành hóa chất. Trong khi đó, ngay cả ngành hóa chất cùng với các đối tác nước ngoài đã nghiên cứu, tính toán và cho rằng lỗ nên cũng không làm phân bón.

Thế nhưng, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn, nghi ngại đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam vẫn quyết tâm tự đầu tư Nhà máy Đạm Phú Mỹ để sản xuất phân đạm phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và đa dạng hóa việc sử dụng khí thiên nhiên. Vượt qua tất cả, cuối cùng Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ - “đứa con đầu lòng” của ngành Dầu khí Việt Nam - đã hoàn thành và được đánh giá là rất thành công khi đạt được cả 3 mục tiêu lớn: Chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Nông dân tin dùng phân bón Phú Mỹ

Vào ngày 28/3/2003, Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí, tiền thân của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ với công suất tương đương gần 50% nhu cầu phân đạm trong nước khi đó. Và, kể từ khi có mặt trên thị trường phân bón vào năm 2004, sản phẩm Đạm Phú Mỹ được đông đảo nông dân tin tưởng sử dụng do chất lượng cao, ổn định, sử dụng cho cây trồng mang lại năng suất cao, đồng thời tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đạm Phú Mỹ trở thành thương hiệu số 1 trong ngành phân bón Việt Nam.

Tính từ ngày sản xuất lô sản phẩm đầu tiên vào năm 2004, cho đến nay, PVFCCo đã cung cấp hơn 10 triệu tấn Đạm Phú Mỹ và hàng triệu tấn phân bón Phú Mỹ khác, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường phân bón trong nước, tiết kiệm cho quốc gia hàng trăm triệu USD nhập khẩu phân bón mỗi năm.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất phân đạm, nhằm thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, từ năm 2015, PVFCCo quyết định đầu tư Tổ hợp Dự án nâng công suất xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK Phú Mỹ sử dụng công nghệ hóa học của hãng Incro SA (Tây Ban Nha) với công suất 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư lên tới gần 5.000 tỉ đồng.

Đến năm 2018, Nhà máy NPK Phú Mỹ bắt đầu cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao vượt trội với nhiều công thức đa dạng và cùng với Đạm Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ, SA Phú Mỹ đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp tiên tiến của nông dân trên toàn quốc, đồng thời góp phần hình thành xu hướng mới trong nông nghiệp nước nhà - nông nghiệp an toàn, công nghệ cao, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường và bảo vệ môi trường.

Qua hơn 15 năm phát triển, PVFCCo với thương hiệu phân bón Phú Mỹ trở thành một điển hình đẹp về thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách “Tam nông” (Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân), góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng hành, sát cánh với nông dân mang về những mùa vàng bội thu.

Nhà máy Đạm Cà Mau

Sự trưởng thành vượt bậc của PVFCCo đã chứng minh cho quyết sách đúng đắn, mang tầm chiến lược của Chính phủ và Petrovietnam.

Vào thời điểm 2010 - 2011, thị trường phân bón trong nước lại đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn khác. Đó là nhu cầu phân đạm của cả nước đã lên đến trên 2 triệu tấn/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. Đặc biệt, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước - chưa có nhà máy sản xuất phân đạm. Chính vì vậy nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón với chi phí khá cao.

Tính từ ngày sản xuất lô sản phẩm đầu tiên vào năm 2004, cho đến nay, PVFCCo đã cung cấp hơn 10 triệu tấn Đạm Phú Mỹ và hàng triệu tấn phân bón Phú Mỹ khác, góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường phân bón trong nước, tiết kiệm cho quốc gia hàng trăm triệu USD nhập khẩu phân bón mỗi năm.

Chính vì vậy, Nhà máy Đạm Cà Mau thời điểm đó đã trở thành một trong những dự án trọng điểm của ngành Dầu khí, được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm sự ổn định và chủ động về phân bón cho phát triển nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.

Dù đã có những bài học kinh nghiệm từ “anh cả” Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhưng quá trình thi công xây dựng dự án trên vùng đất sình lầy, phèn mặn, điểm cuối của Tổ quốc, gặp rất nhiều khó khăn đặc thù. Thậm chí, có những lúc dự án tưởng chừng phải dừng lại, nhân sự lần lượt ra đi vì không nhìn thấy tương lai của dự án nơi cực Nam đất nước đồng không hoang vắng này.

Tuy nhiên, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Petrovietnam, cùng sự nỗ lực và sáng tạo của những cán bộ, kỹ sư đầy đam mê, nhiệt huyết của Ban Quản lý Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, dự án đã dần lấy lại tiến độ và về đích đúng kế hoạch đề ra. Sau đó, vào ngày 9-3-2011, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) chính thức ra đời với nhiệm vụ quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau.

Nông dân sử dụng Đạm Cà Mau

Ngay từ những ngày đầu vận hành chạy thử một nhà máy với thiết bị tiên tiến, công nghệ châu Âu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên của PVCFC đã chủ động học hỏi, kiên trì nghiên cứu và đã sớm làm chủ dây chuyền sản xuất, đưa nhà máy vào quỹ đạo hoạt động. Công suất hiện nay của nhà máy Đạm Cà Mau luôn duy trì ở 110%, sản lượng đều đặn 870.000 tấn/năm. Đến nay, Nhà máy Đạm Cà Mau đã làm nên con số 7 triệu tấn sản phẩm, tiết kiệm hàng tỉ USD cho nước nhà nếu như phải nhập khẩu. Bộ sản phẩm “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã và đang khẳng định thương hiệu phân bón Việt được tin dùng nhất, chiếm lĩnh 40% thị trường cả nước, 60% thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và có mặt các tỉnh Tây Nguyên, là sản phẩm quen thuộc với nông nghiệp Campuchia và nhiều quốc gia khu vực. “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” xứng đáng với sự vinh danh là Thương hiệu quốc gia.

Không đơn thuần chỉ là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, suốt từ khi đi vào hoạt động, PVCFC luôn mang trong mình sứ mệnh trở thành người bạn đồng hành thân thiết của nhà nông, cung cấp những giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho cây trồng; đưa ra nhiều sản phẩm mới, tạo thêm giá trị gia tăng cho nông dân, điển hình là sản phẩm phân bón cao cấp N.Humate+TE vào năm 2015. PVCFC cũng luôn chủ động đến gần hơn với người nông dân, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới bằng các hoạt động hỗ trợ kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ cho nhà nông.

Đặc biệt, khi nhắc đến phân bón Cà Mau thì không thể không nhắc đến sự phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ nhằm tiết giảm nhiên liệu, nâng cao năng suất. Chỉ trong năm 2019, PVCFC đã có nhiều sáng kiến đáng ghi nhận: Thu hồi nguồn khí đốt bỏ Permeate gas làm khí đốt lò tăng 3% công suất; chuyển đổi linh hoạt động cơ từ chạy bằng turbine hơi sang motor điện và ngược lại; cải hoán hấp thụ CO2 giúp tăng thêm khoảng 1,2% công suất vận hành; giảm hơi LP vào cụm deaheator tăng hiệu suất chuyển hóa của các thiết bị, giảm năng lượng thất thoát...

Thành quả vận hành nhà máy của PVCFC đã được khẳng định khi mới đây, nhà bản quyền Haldor Topsose công nhận Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc top các nhà máy có hiệu quả hoạt động tốt nhất về công suất trung bình theo năm, thuộc top 10 các nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất.

Công suất hiện nay của Nhà máy Đạm Cà Mau luôn duy trì ở 110%, sản lượng đều đặn 870.000 tấn/năm. Bộ sản phẩm “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng” được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia, đang khẳng định thương hiệu phân bón Việt được tin dùng nhất, chiếm lĩnh 40% thị trường cả nước, 60% thị trường Đồng bằng sông Cửu Long... và xuất khẩu tới nhiều quốc gia.

 

 

Bên cạnh đó, vào tháng 11/2017, PVCFC đã mạnh dạn đầu tư Nhà máy NPK Cà Mau với dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay của ESPINDESA (Tây Ban Nha) và những thiết bị chính của các nước EU/G7, công suất 300.000 tấn/năm. Đây là dự án nhắm đến mục tiêu đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường đang gây tổn hại vô cùng lớn đến sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Hiện Dự án Nhà máy NPK Cà Mau đã hoàn thành, chạy thử và dự kiến chính thức đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2020. Khi đó, NPK Cà Mau sẽ cùng với các sản phẩm phân bón Cà Mau trước đây tạo thành bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau hoàn hảo, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn, mùa vụ của từng giống cây trồng trong nhiều điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.

Từ một quyết sách táo bạo vượt qua tất cả những khó khăn và nghi ngại ban đầu về tính khả thi, hiệu quả của dự án, đến nay, ngành Dầu khí đã khẳng định được quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất phân bón của mình là vô cùng đúng đắn. Với Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau, hiện mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu tấn phân bón chất lượng cao các loại, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phân bón trong nước, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản.

Hiện dự án Nhà máy NPK Cà Mau đã hoàn thành, chạy thử và dự kiến chính thức đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2020. Khi đó, NPK Cà Mau sẽ cùng với các sản phẩm phân bón Cà Mau trước đây tạo thành bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau hoàn hảo, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho từng giai đoạn, mùa vụ của từng giống cây trồng trong nhiều điều kiện thổ nhưỡng khác nhau

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết sách táo bạo, thành quả tự hào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO