Đất, Nước và Không khí là ba thành tố quan trọng nhất, vừa là nguồn tài nguyên vừa là môi sinh của vạn vật, trong đó có con người. Thế nhưng, những sự cố môi trường xảy ra liên tiếp gần đây đe dọa trực tiếp đến an toàn sức khỏe, thiệt hại sinh kế của người dân.
Ngay với 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong năm 2019 có không ít mối lo chưa được cải thiện. Dai dẳng và trở thành điểm đen mãn tính là tình trạng ô nhiễm không khí.
Đến tận ngày hôm nay, ở hai đô thị này, chỉ số chất lượng không khí luôn ở mức nguy hại. Nhiều thời điểm, đến mức, Hà Nội phải khuyến cáo người dân “không nên ra đường”; trong khi, ở TP.HCM các chuyên gia khí tượng nhận định “ô nhiễm không khí đang “quá sức” vì một năm có hơn 150 ngày ô nhiễm.
Ảnh minh họa |
Được sống an toàn, sống trong môi trường trong lành là quyền của mỗi con người. Và để đảm bảo các quyền này, chúng ta đã có nhiều văn bản pháp lý điều chỉnh các hành vi xâm hại đến tài nguyên, làm tổn hại đến môi trường sống. Đặc biệt, từ khi ra đời đến nay, Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993) đã hai lần sửa đổi (2005, 2014), và Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang chuẩn bị dự thảo sửa đổi để bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường, đồng bộ các quy định pháp luật có liên quan, bao gồm: Luật Quản lý tài nguyên nước, Luật Khoáng sản... Điều này cho thấy, trước sự phát triển mau lẹ của kinh tế - xã hội, đòi hỏi pháp luật về môi trường luôn phải đi trước một bước.
Môi trường sống của chính chúng ta đang bị đe dọa trực tiếp. Hàng ngày, chúng ta phải phụ thuộc vào quá nhiều “công cụ” để mong làm sạch bầu không khí quanh mình, mong được hít thở chút không khí trong lành. Không đâu xa, gần một tháng qua, cả thế giới đang sống trong âu lo bởi dịch bệnh. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong bối cảnh ấy, mới thấy, sự mong manh của con người trước thiên nhiên. Những cảnh báo về sự đe dọa môi trường sống bền vững do con người tạo ra, những bài học chưa cũ được người ta nhắc lại… Và rồi, chúng ta vẫn phải sống trong nỗi sự hãi, trong một môi trường không khí đậm đặc ô nhiễm bởi chính chúng ta sản sinh ra nó.
Một vòng của quy luật tự nhiên cứ thế hiển hiện quay về!
Đã có một thời, chúng ta viển vông trong giấc mơ được gọi là Rồng, là Ngôi sao đang lên trên bản đồ kinh tế châu lục. Nhưng nhìn lại dễ thấy, ta đã phát triển với tốc độ đột phá, nhưng cũng mang theo nó nhịp điệu của bất an.
Giữa mong muốn và hiện thực là cả một quãng đường, có khi rất dài. Nền kinh tế Việt Nam đang bị chia chẻ từng mảnh vụn, 63 tỉnh thành, gần 30 Bộ ngành và cơ quan ngang Bộ; rồi các tập đoàn, tổng công ty… bàn cờ bị chia nhỏ ra, mạnh ai nấy làm, mỗi người một “vương quốc” khiến cho không ai chịu nghĩ dài hạn. Thế nên, mới có chuyện Hậu Giang cấp phép cho nhà máy giấy sau khi Cần Thơ lắc đầu. Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, được đánh giá là bài bản nhất, vẫn thấy nhà máy chế biến thực phẩm kế bên xưởng sản xuất ắc quy.
Thu hút FDI là một chỉ số để Trung ương đánh giá năng lực của chính quyền địa phương. Đầu tư tạo ra tăng trưởng, không chỉ gắn mề đai cho lãnh đạo địa phương, mà còn đóng góp vào tăng trưởng quốc gia, mang đến thành tích cho Chính phủ. Nhưng nếu xảy ra rủi ro thì nhiều địa phương cùng chịu. Nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM ô nhiễm nặng chủ yếu là do các nhà máy, xí nghiệp phát thải từ thượng nguồn.
Còn đó những hệ lụy hiện hữu sau một thời gian khắp nơi bùng nổ đầu tư khu công nghiệp, cầu đường, cảng biển... Bùng nổ trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải tỏa, bùng nổ ngân sách địa phương. Cũng theo đó, bùng nổ tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…
Phát triển xanh, sạch, bền vững là mục tiêu dài lâu, không thể giới hạn trong nhiệm kỳ 5 năm. Được sống ở một môi trường trong lành là quyền và mong mỏi của tất thảy mọi người dân.
Thế nên, thời gian tới, những khoảng trống pháp lý về môi trường cần được lấp. Bởi nếu không, rất dễ dẫn đến sự mù mờ về trách nhiệm pháp luật khi các sự cố môi trường sảy ra, trong khi trách nhiệm chính trị vẫn được xem như một “đặc khu” mà quyền lực cử tri khó vươn tới.