Trước mắt, Bộ đặt mục tiêu sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nguồn nước cho hai lưu vực sông Se San và Srê-pốk (Lưu vực 2S) vào cuối năm 2020. Đây sẽ là các quy hoạch nguồn nước đầu tiên của cả nước.
Một góc lưu vực sông Sê San |
Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Khác với các quy hoạch chuyên ngành trước đây, quy hoạch tài nguyên nước được xây dựng trên phạm vi toàn lưu vực với hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, đa mục tiêu; xem xét đồng bộ cả số lượng nước và chất lượng nước; kết hợp cả khai thác sử dụng với bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan; ưu tiên hướng tiếp cận quản lý nguồn bên cạnh nhiệm vụ truyền thống về kiểm kê nguồn nước.
Lưu vực 2S thuộc lưu vực sông Mê Công và là một trong 8 lưu vực sông quốc tế của Việt Nam bắt nguồn từ Việt Nam rồi chảy qua Campuchia. Nằm trên 5 tỉnh ở Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), Lưu vực 2S trên lãnh thổ Việt Nam có tổng diện tích là 29.885 km2 với tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 30 tỷ m3 và dân số khoảng 4,5 triệu người. Đây là vùng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế quan trọng liên quan đến khai thác sử dụng nước như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, công nghiệp và dịch vụ…
Tuy nhiên, tài nguyên nước của Lưu vực 2S – yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của các ngành kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt do sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng trong lưu vực, suy giảm diện tích rừng đầu nguồn, gia tăng lượng chất xả thải chưa qua xử lý và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực 2S hiện nay vẫn chủ yếu theo hướng tiếp cận đơn ngành, cục bộ dẫn tới tình trạng cạnh tranh trong khai thác, sử dụng nguồn nước giữa các ngành, các địa phương ngày càng gia tăng.
Với sự hỗ trợ của Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực 2S giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến 2050 bao gồm ba hợp phần là quy hoạch phân bổ nguồn nước; quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước; và quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Ngoài ra, một Báo cáo “Đánh giá Môi trường Chiến lược”, cũng là lần đầu tiên đối với quy hoạch này, cũng đang được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
“Bên cạnh quản lý nhà nước về tài nguyên nước bằng quy hoạch tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng ưu tiên đẩy mạnh lập các tổ chức quản lý lưu vực sông, đặc biệt cho các lưu vực sông liên tỉnh lớn. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kiến nghị của Bộ trao thêm chức quản lý lưu vực sông, là Lưu vực sông Cửu Long và Lưu vực sông Sê San và Srê-pốk thuộc lưu vực sông Mê Công, cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam bằng việc ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg. Từ nay, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam bên cạnh các nhiệm vụ liên quan đến quản lý toàn bộ lưu vực sông Mê Công trong hợp tác tiểu vùng và quốc tế, sẽ có cơ hội tham gia, hỗ trợ quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên Lưu vực sông Cửu Long và Lưu vực sông Sê San và Srê-pốk thông qua vận hành tổ chức lưu vực sông đặc biệt trong tham gia xây dựng, giám sát thực hiện và cập nhật các quy hoạch liên quan trong lưu vực, kể cả các vấn đề liên quan đến hợp tác sử dụng và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới”, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết.
Bộ TN&MT hiện cũng đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2021.