Chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành
Theo TS. Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, qua quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch kinh tế lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, đã tạo điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng góp phần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai nông nghiệp, góp phần làm tăng giá trị của đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao độ che phủ của rừng; cải tạo và bảo vệ đất, giảm suy thoái đất; bảo tồn sự đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại. Điển hình như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực như trồng trọt, đất dành cho chăn nuôi xa khu dân cư, đất trồng cỏ, đất rác thải nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp, chưa đảm bảo tính liên vùng và chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ tiêu phân bổ về các loại đất:
Về chỉ tiêu đất trồng lúa, ngành nông nghiệp xác định Chỉ tiêu đất trồng lúa là một nội dung quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, tại các vùng sinh thái nông nghiệp có diện tích đất trồng lúa lớn như: vùng Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh, Đồng bằng sông Cửu Long... khi xác định các chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp có liên quan đến lấy danh mục vào đất trồng lúa, hoặc đất lúa kém hiệu quả (lúa 1 vụ, lúa nương) vẫn gây lúng túng cho các địa phương và đơn vị tư vấn khi xác định danh mục dự án (có quá nhiều dự án lấy vào đất trồng lúa) và tính toán trong biểu chu chuyển đất.
Việc quản lý đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP; Quyết định số 3367/QĐ-BNN-TT ngày 11/7/2014 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có vùng nguyên liệu bền vững để xây dựng cánh đồng mẫu lớn vẫn còn những hạn chế, vướng mắc nhất định.
Việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ lưỡng; nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa nước để xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế... dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất trong khi vẫn có thể sử dụng các loại đất khác…
Luật Đất đai đã có quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng còn thiếu những chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm. Quy định thời hạn hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu đất nông nghiệp trong năm cuối của kỳ quy hoạch trước đó đối với cả ba cấp gây khó khăn, áp lực cho các địa phương về nhân lực, vật lực, thời gian, tiến độ để thực hiện.
Cần có chính sách bảo vệ và phát triển quỹ đất
Để giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Quang Dũng cho rằng, cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp; bảo vệ vững chắc đất lúa, đất rừng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Mở rộng hạn điền, hạn sử dụng đất cho các loại đất nông nghiệp; khuyến khích tích tụ ruộng đất, giao đất, cho thuê đất đai (tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW) để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, căn cứ để quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn dựa trên nhiều loại quy hoạch khác; song các quy hoạch này chưa kết nối với nhau, quy hoạch của các ngành thường vượt ra ngoài khung của quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể, Luật Đất đai quy định việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
TS. Nguyễn Quang Dũng
Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp
Xây dựng phương án phát triển nông nghiệp, phương án sử dụng đất nông nghiệp tích hợp trong quy hoạch tỉnh đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Về hệ thống chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất tích hợp trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bổ sung quy hoạch sử dụng đất theo các cấp hành chính (cấp quốc gia - cấp vùng - cấp tỉnh - cấp huyện) cho phù hợp với Luật quy hoạch. Các chỉ tiêu phải rõ ràng, khả thi, thống nhất đồng bộ, được khoanh định rõ trên bản đồ và có tính “liên ngành, xuyên ngành” với các quy định hiện hành.
Các chỉ tiêu “cứng” cần bảo vệ nghiêm ngặt như: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên... nghiêm cấm vi phạm, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp, đất quốc phòng, an ninh sang đất phi nông nghiệp (đất ở, đất sản xuất kinh doanh...). Khái quát, đồng bộ hóa các chỉ tiêu, nhất là đất rừng với Bộ NN&PTNT trước khi trình thẩm định, phê duyệt cho thống nhất...