Quy hoạch chung từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi: Chú trọng phòng, chống thiên tai và BĐKH

Tuyết Chinh| 11/04/2023 21:03

(TN&MT) - Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040 phải quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo mục tiêu chỉnh trị cửa Đáy; phân loại đất cần theo quy định của Luật Đất đai; quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…

Đó là những ý kiến tham vấn của lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương và các Sở, ngành tỉnh Ninh Bình về đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2040.

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), khu quy hoạch nằm ở điểm cực Nam của tỉnh, nơi tiếp giáp với biển; thuộc địa giới hành chính của huyện Kim Sơn. Ranh giới lập quy hoạch có quy mô diện tích khoảng: 9.000 ha, trong đó Khu từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III có diện tích: 1.792 ha; Khu từ đê Bình Minh III đến cồn Nổi có diện tích: 7.208 ha.

z4253068172996_ce8f570212a9986a296457e9259be229.jpg
Cấu trúc không gian trong Quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm: đô thị Bình Minh và các xã Kim Đông, xã Kim Trung, xã Kim Hải, toàn bộ khu vực từ đè Bình Minh II đến cồn Nổi và và vùng biển xung quanh cồn Nổi. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp mở rộng có quy mô diện tích khoảng 12.000 ha.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa các quy hoạch chiến lược của tỉnh và huyện đối với khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi; phát triển khu vực thành cửa ngõ kết nối kinh tế biển; khai thác các tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành khu vực động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh, góp phần triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo ra những sản phẩm đặc thù, chất lượng cao, nhưng phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đảm bảo hài hòa và gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh; là tiền đề, cơ sở pháp lý thuận lợi để triển khai các chương trình phát triển và dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghiệp cảng, dịch vụ thương mại logistic, du lịch biển và đặc biệt là nông nghiệp sinh thái gắn với công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở đồ án Quy hoạch, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình đề nghị trong quy hoạch phải quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo mục tiêu chỉnh trị cửa Đáy; thống nhất vị trí xây dựng cảng biển; quy hoạch các tuyến đường cần đảm bảo liên kết vùng; chú trọng quy hoạch hạ tầng điện.

Cùng với đó, đơn vị tư vấn cần đánh giá sát hiện trạng của vùng quy hoạch để phát huy hết lợi thế, tiềm năng; xác định định hướng phát triển phù hợp; quy hoạch cần được xây dựng đảm bảo các quy hoạch chuyên ngành của quốc gia; cần làm rõ mối liên hệ với các vùng lân cận; bám sát định hướng, quy hoạch phát triển du lịch của Chính phủ để đảm bảo tính khả thi; thận trọng lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, quy hoạch phải đảm bảo phân loại đất cần theo quy định của Luật Đất đai; quan tâm đến bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu; bổ sung thêm các căn cứ pháp lý để hoàn chỉnh quy hoạch; định hướng phát triển không gian cần thống nhất với nội dung quy hoạch tỉnh và Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn giai đoạn 2022 - 2030.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần khai thác các điều kiện thuận lợi để điều chỉnh quy hoạch phù hợp, mang tính khả thi cao. Tỉnh Ninh Bình cần có phương án sớm giải quyết vấn đề xác định ranh giới hành chính trên biển giữa các tỉnh giáp ranh, xác định thời gian thực hiện quy hoạch; cần đánh giá quy hoạch chung xây dựng khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi đối với quy hoạch tỉnh, huyện và các quy hoạch quốc gia, quy hoạch chuyên ngành khác, đảm bảo không có sự chồng chéo.

Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch cần đảm bảo hiệu quả các công trình phòng, chống thiên tai; đảm bảo vấn đề chỉnh trị cửa Đáy; tính toán quy hoạch diện tích trồng rừng phòng hộ phù hợp với định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch chung từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi: Chú trọng phòng, chống thiên tai và BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO