Môi trường

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông: Góp sức giữ màu xanh cho đại ngàn

Phạm Hoài 30/07/2024 - 15:40

(TN&MT) - Trong những năm qua, tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ cho hơn 140.000ha rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Chi trả DVMTR ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp tỉnh, góp phần duy trì và ổn định tỷ lệ che phủ rừng.

Góp sức giữ rừng

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, chính sách chi trả DVMTR đã từng bước đi vào cuộc sống, giúp tạo lập nguồn lực tài chính bền vững nhằm cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Tại Đắk Nông, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đơn vị nắm vai trò trung tâm trong việc triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Quỹ đã được giao thực hiện nhiệm vụ tự chủ về tài chính. Điều này đặt ra cho đơn vị nhiệm vụ phải luôn tích cực, chủ động trong việc mở rộng đối tượng khai thác nguồn thu khác đã được Chính phủ cho phép.

rung-tai-vuon-quoc-gia-ta-dung-duoc-bao-ve-rat-nghiem-ngat.jpg
Rừng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng được bảo vệ rất nghiêm ngặt

Tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long, nhận thấy rõ lợi ích thiết thực từ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ gia đình đã nhận giao khoán bảo vệ rừng, tích cực tham gia tuần tra rừng; nhờ đó, tình trạng chặt phá rừng ngày càng được hạn chế. Việc chi trả phí DVMTR cho người trông coi, bảo vệ rừng được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng triển khai tích cực đã góp phần duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật liên quan quan đến lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng thay thế và chi trả DVMTR đã được Quỹ quan tâm đúng mức; nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền đã được triển khai phù hợp, đồng bộ, thiết thực có hiệu quả với từng nhóm đối tượng tại địa phương. Công tác thu - chi tiền DVMTR, tiền trồng rừng thay thế đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các đơn vị cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện, không có đơn vị chậm trả đến mức phải xử lý hành chính.

Nỗ lực hỗ trợ

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Xuân - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được hơn 120 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt 117% kế hoạch. Trong đó, tổng số tiền DVMTR đã giải ngân cho các chủ rừng là tổ chức UBND cấp xã và hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn/bon là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm kinh phí đã thanh toán cho các đơn vị năm 2022, đạt 134% kế hoạch, với tổng diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR trong năm 2023 là 141.032,85 ha.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đang tiến hành chi trả tiền DVMTR theo 5 đơn giá cho bên cung ứng DVMTR. Trong đó, đơn giá chi trả thấp nhất là 647.933 đồng/ha và đơn giá chi trả cao nhất 950.000 đồng/ha. Theo Quyết định về việc công bố hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho thấy, diện tích rừng lớn với hơn 254 nghìn ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 196 nghìn ha, chiếm hơn 80%, phân bổ ở nhiều địa bàn. Diện tích được chi trả tiền DVMTR năm 2024 hơn 140 nghìn ha.

Với Kế hoạch đã đề ra, năm 2024, dự kiến tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thu từ các cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; cơ sở sản xuất công nghiệp là hơn 108 tỷ đồng. Trong đó, thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam là gần 71 tỷ đồng: thu từ cơ sở sản xuất thủy điện là hơn 66 tỷ đồng; và thu từ cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là hơn 4,5 tỷ đồng. Quá trình triển khai thực hiện chính sách trên đã khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả thiết thực của phương châm "lấy rừng nuôi rừng" để nhà máy thủy điện có nước sử dụng, địa phương giữ được rừng và người dân được hưởng lợi về kinh tế nhờ rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông: Góp sức giữ màu xanh cho đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO