Hàng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, Lễ hội đền Hùng được tổ chức đồng loạt ở khắp mọi nơi trong nước. Lễ hội được miêu tả ở đây diễn ra tại quê hương của Tổ Hùng Vương: Khu Di tích đền Hùng (trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, thôn Cổ Tích, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).
Trên đỉnh Nghĩa Lĩnh |
Khi Di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc đẹp. Từ cổng Đại Môn, qua bức đại tự mang dòng chữ "Cao sơn cảnh hạnh" (núi cao đức lớn) vào đền Lớn dưới chân núi. Vượt qua 225 bậc xi măng, chúng ta tới đền Hạ, nơi gắn với sự tích mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Lạc Long Quân dẫn 50 con về xuôi, Âu Cơ đưa 49 con lên ngược, để lại người con trưởng làm vua, xưng là Hùng Vương.
Từ đền Hạ, chếch về phía đông là đền Giếng. Trong đền có giếng Ngọc, nước trong mát. Tục truyền xưa kia công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con vua Hùng thứ 18) hàng ngày thường soi bóng mình để chải tóc.
Vượt tiếp 168 bậc nữa là tới đền Trung, nơi trước kia vua Hùng thường lui tới bàn việc nước cùng các Lạc tướng, nơi chàng hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo dâng lên vua cha những chiếc bánh chưng bánh dày được gói bằng những hạt gạo nếp do mình trồng, gặt. Lại vượt 102 bậc để tới đền Thượng. Nơi đây trước kia vua Hùng thường cùng thần dân lập đàn tế trời đất cầu xin thần phù hộ cho muôn dân được ấm no. Nơi đây còn có đền thờ Thánh Gióng (do vua Hùng thứ 6 lập) và bên cạnh là Mộ tổ.
Bên phải, phía trước đền có cột đá thề. Tương truyền Thục An Dương Vương khi lên ngôi vua, trước vong linh tiên tổ đã thề trọn đời giữ gìn giang sơn của vua Hùng.
Cột đá thề |
Từ đền Thượng, phóng tầm mắt về phía trước, du khách có thể nhìn thấy 99 ngọn núi lớn nhỏ, hình dáng giống bầy voi quỳ hướng về núi mẹ Nghĩa Lĩnh. Còn một con quay lưng lại, bị mất đầu. Dù thiên nhiên vô tình tạo ra hay con người cố ý gán ghép thì đây cũng là lời nhắc nhở hậu thế về lòng hiếu nghĩa và tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Mười tám vị vua Hùng được thờ ở đền Thượng. Trước đền có bức hoành phi mang bốn chữ "Việt Nam triều tổ". Bài vị 18 đức vua Hùng được đặt trang trọng chính giữa bàn thờ trong đền. Một bức bài vị khắc 13 chữ "Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thánh vương vị" và nhiều câu đối ca ngợi công đức 18 vị vua Hùng được treo tại nơi đây.
Hàng năm, con cháu gần xa hành hương về đất Tổ để dự lễ hội với lòng thành kính tổ tiên.
Ba làng sở tại là Cổ Tích (Cô Tích), Vi (Vi Cương), Trẹo (Triệu Phú) cùng tổ chức đám rước tới đền. Đám rước có voi làm bằng nan, ngựa bằng gỗ với ý nghĩa muôn loài quy phục vua Hùng; đồng thời cũng là tượng trưng việc "Chú rể Sơn Tinh" mang quân giá đi đón "Cô dâu Ngọc Hoa" trong lễ thách cưới và đưa dâu. Đám rước phải đầy đủ cỗ chay, mâm ngũ quả, với lễ vật là bánh dầy, nhắc nhở công đức các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa.Những năm được mùa, các làng Chu Hòa, Sơn vị, Do Nghĩa, Trung Đức, An Thái, Diễm Lâu, Tiện Cát… ở vùng lân cận và bên kia sông Lô cũng nô nức rước ngai thờ của làng về dự giỗ Tổ. Lễ vật ngoài bánh trái còn có cỗ "Tam Sinh" gồm lợn sống cạo lông, bỏ lòng, mỡ chài phủ kín toàn thân; bò, dê mỗi thứ một con đều cạo sạch lông, thui vàng để nguyên con, cùng với xôi trắng, tím, đỏ và rượu mộng.
Trong ngày hội có rước xách tế lễ rất trang nghiêm, yên lặng, cung kính. Đám rước tượng trưng cho cuộc hành quân, xuất trận. Khi tới đền Hạ, đám rước trở nên vui nhộn. Những người vác cờ xí diễu quanh đền. Các cỗ kiệu chuyển động nhanh như có phép lạ; kiệu càng bay thì càng thể hiện là thánh vui, sau lễ hội ắt có nhiều điềm lành.
Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ Tổ |
Sau khi lễ ở Đền Thượng xong, có múa hát xoay thờ và trình thánh. Đây là loại hát mùa xuân (xoay), dân ca của Vĩnh Phú (cũ), có hát thờ nhang và dâng hương bằng một giọng hát có lề lối. Ở Đền Hạ có hát ca trù (còn gọi là hát thờ, hát ả đào) cũng là loại hát trước cửa đình, mừng dâng thánh trong dịp hội làng, do phường hát Do Nghĩa trình diễn.
Bên ngoài sân đền Hạ có những trò chơi vui và hồn nhiên như trò đu tiên. Thiếu nữ đu quay, xống áo xênh xang như guồng nước chảy, vừa đu vừa hát:
Này lên! Này lên! Này lên!
Lên non Cổ Tích, lên đền Hùng Vương…
... Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát kỳ này thì lên.
Tháng ba nô nức hội đền
Là ngày giỗ Tổ mấy nghìn năm nay…
Còn có nhiều cuộc vui chơi truyền thống khác như trò chơi ném còn, ca hát. Xưa kia, người Mường còn biểu diễn trống, đâm trống đồng Chàm Thau, do nam thanh niên biểu diễn và lối giã gạo chàm đuống do các thiếu nữ trình tấu. Ngoài ra còn có bắn nỏ, đấu vật, chơi cờ, múa rối.
Người tới từ thập phương, đi trẩy hội với niềm vui và cảm nhớ ngập tràn, luôn cảm thấy rộn ràng với những sinh hoạt văn hóa dân tộc đầy nhựa sống hồn nhiên, khi về còn có dịp mua thổ sản của từng vùng xung quanh như bưởi Đoan Hùng, dứa Tam Đảo, chè Phú Thọ, hoặc là những loại hàng mỹ nghệ độc đáo khác được bày bán nhiều ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh được nhiều quà.
Lễ hội đền Hùng là ngày giỗ Tổ thiêng liêng của dân tộc, của đất nước. Từ xa xưa, ngày giỗ Tổ đã được thực hiện là ngày Quốc lễ. Năm 2007, Chính phủ chính thức ban hành Quyết định bằng văn bản để một lần nữa khẳng định điều đó và để nhắc nhở con dân Việt Nam nhớ về lịch sử nước nhà, để tỏ lòng kiêu hãnh rằng ta là một dân tộc có gốc có nguồn, có nền lịch sử văn hóa lâu đời. Trong dòng chảy của lịch sử và huyền thoại hòa quyện, khí thiêng sông núi càng tôn cho ngày hội non sông thêm rạng rỡ.
Năm nay, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2599/VPCP-KGVX, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý cho UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức một điểm bắn pháo hoa tầm cao tại thành phố Việt Trì. Màn bắn pháo hoa tầm cao diễn ra sau chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” tổ chức đêm ngày 20/4 (tức ngày 9-3 năm Tân Sửu), tại Hồ Công viên Văn Lang, Thành phố Việt Trì.
Việc tổ chức bắn pháo hoa được thực hiện theo đúng Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo; bảo đảm an ninh trật tự, tuyệt đối an toàn, không sử dụng ngân sách Nhà nước và phù hợp với tình hình dịch bệnh.
7 giờ ngày 21/4 (10/3 năm Tân Sửu) diễn ra Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong”.
Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ VIII tại Sân khấu Trống Đồng, sân Trung tâm lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Giải Bơi chải Thành phố Việt Trì mở rộng Tân Sửu - 2021 tại Hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì; Vòng Chung kết cúp Hùng Vương - Giải bóng chuyền vô địch Quốc gia năm 2021; trình diễn Hát Xoan làng Cổ tại Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Hùng Lô, Thành phố Việt Trì…