Quốc hội thảo luận về KTXH: Thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Tại đây, các đại biểu quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…
Có giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa
Bày tỏ quan tâm tới các giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, Đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết theo báo cáo hiện lượng rác thải nhựa phát sinh hằng năm khoảng 2,9 triệu tấn và chỉ có 0,77 triệu tấn được tái chế. Đại biểu cho rằng thực tế hiện nay rác thải nhựa đã và đang là vấn nạn lớn đối với môi trường, đặc biệt là các tỉnh ven biển.
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về xử lý và hạn chế sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tạo hành lang pháp lý và thể hiện sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chúng ta cần nhiều hơn nữa để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đại biểu đề nghị các Bộ, ngành thực hiện đúng và đủ các giải phải mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ đạo tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Đề nghị bổ sung làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, việc các trường mở rộng ngành đào tạo, đặc biệt ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết vì sẽ bổ sung một lượng lớn nhân sự, phục vụ trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nếu chúng ta làm không chặn ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì chất lượng đầu ra sẽ có sự khác biệt về năng lực của bác sỹ và sẽ là sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân.
Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị cần tiếp tục cần hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.
Nêu rõ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực phục vụ cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội Đồng Y khoa Quốc gia tổ chức, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để Hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực cán bộ y tế chính thức được thực hiện.
Đồng thời đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên học ngành bác sỹ y khoa; cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sỹ sau khi tốt nghiệp đại học.
Liên quan đến lĩnh vực y tế, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Đại biểu cho biết việc cập nhất danh mục thuốc của nước ta mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới, thường mất từ 2-4 năm để cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, đại biểu đạt ra trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị làm rõ chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm, cùng với đó là nguy cơ thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng; đề nghị làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt.
Nhấn mạnh khó khăn không chỉ từ yếu tố khách quan mà đôi khi do quy trình thủ tục quá phức tạp, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung báo cáo phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ.
Sớm đầu tư và vận hành kho dự trữ lúa gạo ở các vùng miền
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương nghị quyết thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chính sách Tam nông. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả để sản lượng lúa cả nước duy trì sản lượng tốt, đặc biệt năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu, song thu nhập từ nông nghiệp vẫn còn có sự chênh lệch giữa các vùng; thu nhập của nông dân vẫn còn thấp trước yêu cầu của cuộc sống.
Về chất lượng cuộc sống nông dân, đại biểu khẳng định, với quy trình trồng lúa có 8 bước cơ bản, từ việc chọn giống, chuẩn bị đất trồng, chuẩn bị hệ thống tưới tiêu, gieo hạt lúa, quá trình chăm sóc cây lúa phát triển, đánh giá sẵn sàng thu hoạch, phương pháp thu hoạch lúa và quá trình lưu thông tiêu thụ. Ở mỗi bước có nhiều công đoạn ứng với mỗi công đoạn là khó khăn mà nông dân gặp phải…
Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn bạn sâu bệnh, được kiểm định và quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn và cấp mã vùng trồng, công bố chất lượng kết hợp chỉ dẫn địa lý để nông dân có sự lựa chọn.
Sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại ba vùng trồng lúa tập trung của cả nước, để đảm bảo chất lượng lúa gạo sau thu hoạch. Có chính sách trợ giá để bình ổn giá lúa gạo cho nông dân, mức giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.
Cùng với đó, Chính phủ phân công các bộ ngành liên quan chịu trách nhiệm dự báo thị trường xúc tiến thương mại, quản lý để đảm bảo vùng trồng lúa.
Đại biểu cũng cho rằng, vào các đợt cao điểm mùa vụ, nông dân phải chịu giá các loại phân bón giá thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh, rất cần doanh nghiệp phát huy trách nhiệm xã hội, tối đa công suất, hạ giá thành bằng cách giảm các chi phí, giảm các đầu mối trung gian phân phối phân bón; ưu tiên trước hết cho sản xuất nông nghiệp trong nước và sau đó mới tính tới xuất khẩu. Vì thế, Chính phủ nên áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo biểu thuế tự động.
Về phát triển nông nghiệp hiện đại, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích liên kết chặt chẽ 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà phân phối và nhà băng mạnh hơn hiệu quả hơn nữa, bằng cách nhà nước đóng vai trò điều tiết rà soát sửa đổi bổ sung các chính sách liên quan một cách đồng bộ và có đủ cơ sở pháp lý ràng buộc các nhà để mỗi nhà làm tốt nhất trách nhiệm của mình trong chuỗi liên kết.
Chính phủ tạo cơ chế chính sách điều hành tín dụng, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; mở rộng mạng lưới của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nông thôn tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.
Chính phủ cần có chính sách dạy nghề cho nhà nông chuyên nghiệp về kinh tế nông nghiệp để tăng cường khả năng nhận biết các dấu hiệu thị trường và năng lực kinh doanh; sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp thông qua các tổ chức liên kết. Hình thành các hiệp hội có sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp, tập đoàn hợp tác xã. Sau khi thu hoạch người nông dân được chủ động quyết định giá trị do mình tạo ra.
Về nông thôn văn minh, đại biểu kiến nghị Chính phủ xây dựng các dữ liệu thu trực tiếp trên đồng ruộng của người dân qua các khâu tổ chức, quản lý và sản xuất để hỗ trợ đưa ra các quyết định có căn cứ khoa học và đây chính là xu thế toàn cầu.
Chính phủ đầu tư phát triển các hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi cấp thoát nước; Tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến tại các địa phương ở ba vùng trồng lúa phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn gắn với du lịch sinh thái.
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng
Tham gia phát biểu về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho biết, trước nhiều khó khăn, biến đổi khó lường của tình hình quốc tế, nước ta vẫn đạt được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế, đây là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân.
Về triển khai thực hiện các dự án giao thông liên vùng, đại biểu cho biết, hiện nay tỉnh nào có điều kiện về nguồn lực thì thực hiện đầu tư trước, đầu tư quy mô lớn. Tỉnh nào gặp khó khăn về nguồn lực thì đầu tư sau, hoặc đầu tư quy mô nhỏ. Điều đó dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của hai địa phương liền kề nhau.
Đại biểu cho rằng, tỉnh sát nhau có thể bố trí đầy đủ nguồn lực để đầu tư hết đoạn tuyến kết nối, nhưng do quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước, không được dùng ngân sách của địa phương này chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh quy định tại khoản 9, Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước cho phù hợp.
Nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư 25 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Có không ít dự án gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường còn chồng chéo… Đại biểu đề nghị cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để có thể triển khai hiệu quả các dự án, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương.