Trong nước

Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Thanh Tùng - Khương Trung 03/06/2024 12:18

Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đề xuất đầu tư hơn 122 nghìn tỷ thực hiện Chương trình

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, mục tiêu của Chương trình là nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; giúp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa…

6(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%); Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); Vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối tượng, phạm vi của Chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.

Đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.

8.jpg
Quang cảnh phiên họp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để đảm bảo tập trung nguồn lực và thống nhất quản lý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tập trung các nội dung về văn hóa thuộc dự án số 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2026-2030 (đề xuất này cũng đã được sự đồng thuận của Ủy ban Dân tộc).

Đối với Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững có nội dung liên quan đến đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, 2 chương trình này chỉ phê duyệt đến giai đoạn 2021-2025 nên việc thực hiện các nội dung trên trong Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đảm bảo không trùng lặp.

Tán thành sự cần thiết của Chương trình

Báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ và cho rằng việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan, Ủy ban cho rằng, Chương trình được xây dựng về cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và một số chiến lược có nội dung liên quan.

9.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra

Về các quy hoạch có liên quan, tại thời điểm Chính phủ thông qua Hồ sơ về Chương trình, một số quy hoạch quan trọng liên quan tới Chương trình chưa được ban hành. Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các quy hoạch có liên quan, làm căn cứ để xây dựng Báo cáo khả thi và phương án đề xuất mức vốn đầu tư của Chương trình; đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá sự phù hợp của Chương trình với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch có liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về tổng mức đầu tư thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Đối với hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình, Ủy ban nhận thấy việc xây dựng Chương trình sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nội dung này chưa được đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể, đầy đủ trong Hồ sơ. Đây là những căn cứ quan trọng để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của Chương trình; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ và sâu sắc hơn các tác động của Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó. Do đó, Chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện; chuẩn bị Hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời, bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định.

“Đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO