Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%. Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021. Ảnh: Quốc Khánh |
Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Lạm dụng phân bón, thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Nêu ý kiến tại nghị trường liên quan vấn đề phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ĐBQH Trần Văn Cường (Đồng Tháp) cho biết, nhiều ý kiến cho rằng phân bón thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại hiện như mê hồn trận trong nền nông nghiệp của chúng ta. Đây là thách thức lớn trong việc hướng đến 1 ngành nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế.
Cử tri đã phản ánh đến Quốc hội về việc kinh doanh lĩnh vực phân bón thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phức tạp như: kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật chung với các hàng hóa khác, phân bón thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và có loại cấm sử dụng tại Việt Nam, lạm dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.
“Việc lạm dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống, mất an toàn hệ sinh thái nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gây bức xúc trong dư luận xã hội”, đại biểu Cường nói.
ĐB Cường cũng cho rằng, nông sản Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do chất lượng kém. Đồng thời lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại đã và đang phá vỡ cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên, đánh mất hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng mà chúng ta đang quyết tâm triển khai trong thời gian qua.
Theo ĐB Cường, nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do, chế tài đối với các hành vi của người sản xuất và người buôn bán, sử dụng chưa đủ sức răn đe. Ngược lại một bộ phận người dân không được truyền thông đầy đủ các tác hại của các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đã lạm dụng gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và bản thân.
ĐBQH Trần Văn Cường (Đồng Tháp). Ảnh: Quốc Khánh |
Trong khi đó, danh mục chất cấm chưa được đồng bộ giữa các ngành nên có những hoạt chất bị cấm trong lĩnh vực này nhưng lại không cấm trong lĩnh vực khác dẫn đến việc sử dụng tràn lan khó kiểm soát và khó quản lý. Chưa có quy định rõ ràng về truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản lưu thông trên thị trường nhất là nông sản nội địa.
ĐB Cường kiến nghị cần có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quy định về danh mục cũng như phương pháp quản lý và kiểm soát các hoạt chất, hóa chất độc hại trên thị trường. Tăng cường chế tài đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán và kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng với đó, cần thực hiện thí điểm việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và quản lý chặt chẽ chất lượng đối với các mặt hàng nông sản ở các thành phố lớn. Đầu tư hẳn vào nghiên cứu chế phẩm thay thế các chất hóa học gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ban hành những quy định và chế tài để bảo đảm thực thi trách nhiệm của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Phải mạnh dạn giúp người dân thay đổi từ nhận thức mới giúp họ hiểu được tầm quan trọng của bảo vệ sức khỏe. Giữ gìn tốt hệ sinh thái tự nhiên cho thế hệ tương lai vì quê hương vì giống nòi mai sau và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.
Cần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Thống nhất với các nhận định, đánh giá trong các báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho biết, trong năm 2020 chúng ta đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường, do những yếu tố bất lợi, xung đột địa chính trị gây ra, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
ĐB đoàn Hà Nội đề xuất với Quốc hội một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt là chú trọng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ nguồn tài nguyên nguyên bản là spin-off, một mô hình mà thế giới coi là có hiệu quả thiết thực để phát triển và thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu thành công từ các trường đại học.
Thực tế cho thấy mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp start-up đã được quan tâm nhiều, tuy nhiên mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học. Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off là doanh nghiệp hình thành trong các trường đại học để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế.
Mô hình này tạo ra cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học khởi nghiệp bằng chính công nghệ của mình, và thu hút các đối tác ngoài xã hội cùng tham gia nghiên cứu, đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ một cách minh bạch, hiệu quả để tạo ra giá trị gia tăng, phục vụ xã hội. Mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đã rất thành công trên thế giới…, tạo ra doanh thu khá lớn và nhiều việc làm trên các lĩnh vực.