Quốc hội đã làm rõ những điểm sáng tối của bức tranh kinh tế 2015

03/11/2015 00:00

(TN&MT) - Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau một ngày rưỡi thảo luận ở hội trường về tình hình kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được, phân tích bổ sung những nét nổi bật, những điểm sáng tối trên bức tranh kinh tế - xã hội 2015 với những dẫn chứng minh họa sát với tình hình thực tế ở địa phương và cơ sở.  

Trong thảo luận kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2015 các đại biểu Quốc hội có nhìn lại một cách khái quát việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và khi bàn về phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 thì các đại biểu Quốc hội có liên hệ đặt trong phương hướng, nhiệm vụ cho kế hoạch 5 năm tới. Tất cả những vấn đề về kế hoạch 5 năm Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận cho ý kiến và xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 3/2016. Những vấn đề thảo luận về kinh tế - xã hội sẽ được nghiên cứu chọn lọc để đưa vào dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo lại Quốc hội xem xét cả dự thảo nghị quyết trước khi Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên họp sáng 2/11. Ảnh chụp qua màn hình
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên họp sáng 2/11. Ảnh chụp qua màn hình

13/14 chỉ tiêu của năm 2015 đạt và vượt kế hoạch

Năm 2015 trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thế giới, khu vực và riêng của nước ta, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Mục tiêu tổng quát đề ra năm 2015 cơ bản thực hiện được 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Kinh tế vĩ mô ổn định lạm phát thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản đảm bảo. Tăng trưởng kinh tế phục hồi khá cao. Cách đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt một số kết quả tích cực bước đầu. Thể chế kinh tế ngày càng được hoàn thiện. Văn hóa xã hội có bước tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Quản lý tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công việc cải cách hành chính đạt những kết quả tốt. Công tác phòng chống tham nhũng lãng phí tiếp tục được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế chủ động và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về những hạn chế yếu kém, các đại biểu phát biểu tán thành những nội dung trong 9 nhóm vấn đề đã được nêu trong báo cáo và cho rằng Chính phủ đã rất nghiêm túc đánh giá thẳng thắn những hạn chế yếu kém. Chỉ ra được nguyên nhân khách quan và đặc biệt nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan chủ yếu. Rút ra được 5 bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích sâu sắc hơn vì sao có những hạn chế yếu kém đã được nhận dạng từ lâu, đã được nêu trong báo cáo nhiều lần nhưng chậm khắc phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng: “Cần phân tích kỹ hơn những yếu tố chưa bền vững của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu kinh tế chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, của đầu tư công còn thấp. Việc xử lý nợ xấu chưa dứt điểm vấn đề thâm hụt ngân sách và an toàn nợ công. Năng lực cạnh tranh kém, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Quản lý tài nguyên, đất đai còn lãng phí và vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường…”. Ngoài ra, các phát biểu của đại biểu tại hội trường cũng đề cập đến những bất cập trong cải cách hành chính, trách nhiệm công vụ, hướng dẫn thi hành luật chậm...

Về các vấn đề xã hội thì các đại biểu Quốc hội cho rằng chất lượng giảm nghèo và sự chênh lệch giàu nghèo vẫn là mục tiêu tiếp tục phấn đấu để cải thiện đời sống vật chất tinh thần của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. “Các vấn đề xã hội cần phải được quan tâm lo cho dân nhiều hơn như học hành, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở người có thu nhập thấp để giảm bớt khó khăn cho dân. Những vấn đề bức xúc của dân cần phải giải quyết trước tình hình tệ nạn xã hội, tội phạm nguy hiểm, đạo đức xã hội xuống cấp, nạn tham nhũng lãng phí và đặc biệt là sự lo lắng về tình hình phức tạp ở biển Đông…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu thảo luận tại Hội trường trong 2 ngày 02 và 03/11 đã làm rõ nét thêm bức tranh kinh tế xã hội năm 2015. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu thảo luận tại Hội trường trong 2 ngày 02 và 03/11 đã làm rõ nét thêm bức tranh kinh tế xã hội năm 2015. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội đồng ý với 8 nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra trong năm 2016

Về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đã có 74 ý kiến phát biểu, trong đó 69 đại biểu Quốc hội và 4 bộ trưởng. Các ý kiến phát biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các đại biểu Quốc hội đồng ý với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đề ra, đồng thời đề xuất, kiến nghị thêm nhiều giải pháp rất phong phú, đa dạng và sát với thực tiễn.

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển của đất nước, tăng cường năng lực thực thi pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nâng cao khả năng dự báo và cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tập trung mạnh cho tái cơ cấu nông nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt. Huy động, quản lý sử dụng, bố trí hợp lý và hiệu quả các nguồn lực của xã hội trong đó có cả ngân sách, cả vốn ODA cho các mục tiêu phát triển cho năm 2016 và 5 năm tới. Có chính sách và tăng cường nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, cho xây dựng nông thôn mới, cho khoa học, công nghệ cao, cho đào tạo nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động. Chính sách đất đai để phát triển sản xuất lớn trong nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới, phát triển kinh tế hợp tác.

Ngoài ra, cần đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo, biên giới, các khu vực Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách nhà ở cho người có công, người có thu nhập thấp, chính sách giảm nghèo đa chiều và cần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, về sự phát triển của phụ nữ và chăm chóc bảo vệ trẻ em.

Chính phủ cần rà soát, đánh giá các quy hoạch phát triển vùng để điều chỉnh, bổ sung phù hợp và có chính sách đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối các vùng. Rà soát lại hệ thống chính sách đã ban hành, đánh giá, bổ sung hoàn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Tiếp tục cải cách bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có trách nhiệm, có hiệu quả, có chính sách thu hút và sử dụng nhân tài. Tiếp tục chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN, tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các FTA với các nước và chuẩn bị cho TPP…

“Chính phủ cũng cần có kế hoạch triển khai chương trình phát triển bền vững từ năm 2016 đến năm 2030. Lồng ghép vào phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và hướng tới 5 năm tiếp theo. Chính phủ cần giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém tồn tại trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, quy định thời gian khắc phục và có đánh giá kết quả thực hiện” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Hải Ngọc - Châu Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đã làm rõ những điểm sáng tối của bức tranh kinh tế 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO