Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn tàu Vietship-01 hồi tháng 10/2020 |
Phải cụ thể phương châm “4 tại chỗ”
Trận “lũ chồng lũ, bão chồng bão” lịch sử trong tháng 10/2020, Quảng Trị là địa phương chịu thiệt hại rất nặng nề khi trở thành nơi “tâm bão, tâm lũ”. Lượng mưa lớn phổ biến trong nhiều ngày trên địa bàn tỉnh này đã gây sạt lở đất, đá cục bộ nghiêm trọng tại các huyện miền núi; nhiều địa điểm xung yếu trên các tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ…; các vách núi khe suối bị sụt lún, sạt lở gây chia cắt cục bộ nhiều điểm không đi lại được và đặc biệt biệt sạt lở núi nghiêm trọng tại địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337; sạt lở chia cắt cục bộ nhiều ngày ở 2 xã Hướng Việt, Hướng Lập (huyện Hướng Hóa)... Tổng giá trị thiệt hại hơn 4.250 tỷ đồng.
Trong các ngày từ 7 - 8/10/2020, Quảng Trị có 6 vụ sự cố tàu thuyền trên biển gồm 3 tàu: VietShip TK 12, VietShip 01, VietShip 09 và các tàu Thanh Thành Đạt 55, Thanh Thành Đạt 68 và tàu Hoàng Tuấn 26.
Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng cứu hộ máy bay trực thăng Binh đoàn 18 - Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và lực lượng đặc công nước để thực hiện hoạt động cứu hộ người bị nạn trên tàu Vietship 01.
Đánh giá về công tác cứu hộ cứu nạn vừa qua, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng: Dẫu biết rằng thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và vẫn còn tồn tại sự chủ quan của con người. Dù địa phương đã huy động hết lực lượng tại chỗ, tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn.
Có những nơi nhìn thấy người gặp nạn ngoài sông ngoài biển nhưng không có phương tiện để cứu vớt, dẫn đến vẫn còn nhiều người chết, bị thương... Từ đó thấy được năng lực, nguồn lực ứng phó với diễn biến của thiên tai vẫn còn yếu.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vừa qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về nguồn lực đầu tư cũng như những giải pháp ứng phó với thiên tai trong thời gian đến, giai đoạn cực đoan của biến đổi khí hậu không lường trước được.
Theo ông Hà Sỹ Đồng: Càng cụ thể, càng chu đáo bao nhiêu trong “4 tại chỗ” thì sẽ bớt đi những thảm cảnh do thiên tai gây ra… |
Qua đó, Phó Thủ tướng đã trả lời: Sắp tới sẽ trang cấp nhiều hơn các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, cũng như tập huấn, xây dựng lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách tốt hơn đáp ứng với yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ được giao.
Theo ông Hà Sỹ Đồng: Càng cụ thể, càng chu đáo bao nhiêu trong “4 tại chỗ” thì sẽ bớt đi những thảm cảnh do thiên tai gây ra. Cán bộ và chính người dân đừng để lặp lại cảnh những tiếng kêu gào cầu cứu trong đêm đen, giữa dòng nước xiết…
Không ngừng chuyên nghiệp, hiện đại hóa lực lượng cứu hộ cứu nạn
Chúng ta lâu nay thường nói “lực lượng 4 tại chỗ”, chỉ huy đồng bộ từ trung ương đến địa phương, nhưng trong thiệt hại do mưa lũ vừa rồi, đặc biệt là thiệt hại về con người vẫn hết sức nặng nề.
Ai cũng thuộc 4 nội dung này của phương châm, nhưng vấn đề không chỉ nêu nó lên một cách chung chung trong cuộc họp, mà phải cụ thể từng nội dung nó là cái gì, những công việc nào...
Khi thiên nhiên “nổi giận” và trước tình cảnh “nước xa không cứu được lửa gần”, lúc đó chỉ những người ngay tại hiện trường mới kịp thời hỗ trợ nhau. Vậy phải thành lập những đội cứu hộ theo từng làng, thôn, khu phố gồm những những người đủ sức khỏe, thông thạo địa hình để băng mình trong mưa to, lũ xiết. Đội cứu hộ này phải được phân công nhiệm vụ cụ thể, nhóm nào cứu hộ nơi nào, nhà nào.
Vụ sạt lở kinh hoàng tại Hướng Phùng khiến 22 cán bộ chiên sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 hy sinh |
Thực tiễn chỉ ra sau 2 đợt cứu hộ cứu nạn tàu Vietship 01 và sạt lở tại Hướng Phùng vừa qua tại Quảng Trị cho thấy: Phương tiện cứu hộ cứu nạn còn thiếu, lực lượng chưa chuyên nghiệp để ứng phó với diễn biến thiên tai trong tình hình mới, dù có tinh thần dũng cảm nhưng kỹ năng, năng lực vẫn còn hạn chế. Dẫn chứng từ vụ cứu hộ tàu Vietship 01, có những ngư dân dũng cảm, xung phong lên thuyền để ra hỗ trợ cứu hộ nhưng thất bại khiến 3 người mắc kẹt, 1 người bị nước cuốn trôi nhưng may mắn đều được cứu hộ kịp thời. Người dân còn thiếu kiến thức về kỹ năng phòng tránh thiên tai…
Vì thế đội ngũ cứu hộ cứu nạn cần được đào tạo bài bản chuyên nghiệp hơn và phải nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phù hợp với từng địa phương, từng vùng... để công tác cứu hộ cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất.
Nguyên nhân những hạn chế trong công tác cứu hộ cứu nạn được ông Hà Sỹ Đồng chỉ ra: Một số nơi, một số lúc chúng ta vẫn còn tâm lý chủ quan không lường trước hết diễn biến cực đoan do thiên tai, biến đổi khí hậu... nhất là năm 2020 thiên tai gây thiệt hại ở những nơi trước đâm được xe chưa hề xảy ra mưa lũ, sạt lở. Sự phối kết hợp, chủ động, linh hoạt, thường trực 24/24 những lúc cao điểm cũng chưa thực sự kịp thời. Phương tiện, trang thiết bị chưa đầy đủ, dẫn đến lúng túng trong triển khai ứng cứu các tình huống khẩn cấp…
Để không lặp lại những viễn cảnh đau lòng do thiên tại gây ra như thời gian qua, Trung ương, địa phương cần nâng cấp công tác dự báo, cảnh báo thời tiết trong công tác chuẩn bị. Tuyên truyền, vận động mạnh hơn nữa làm cho người dân ý thức được diễn biến khôn lường của thiên tai. Phương tiện, lực lượng, hậu cần dự trữ phải đầy đủ...
“Phải xem những thiệt hại do thiên tai gây ra là bài học đắt giá, để từ nay trở đi chúng ta phải xây dựng các chương trình, kế hoạch từ tổ chức sản xuất, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, linh hoạt hơn; giảm thiểu tối đa những thiệt hại về con người, tài sản gây ra bởi thiên tai...” - ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.