Xã hội

Bát Xát (Lào Cai): Cần sớm vào cuộc cải tạo cánh đồng, dòng suối “hóa đá”

Đà Giang – Nhật Lam 15/11/2024 - 13:03

(TN&MT) - Một cánh đồng rộng lớn khoảng hơn 50 ha dọc theo ven dòng suối Tùng Chỉn, thuộc địa bàn xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sau cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã trở nên hoang tàn, trơ trọi toàn đá.

8.jpg
Cánh đồng, dòng suối "hóa đá"

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Thế Tài - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Tổng số đất đá vùi lấp lên đồng ruộng của người dân khoảng hơn 50 ha. Huyện đã cử cán bộ xuống phối hợp với các lực lượng chức năng để đo đạc, khảo sát, xem xét và báo cáo UBND tỉnh Lào Cai để sớm có giải pháp cải tạo lại đồng ruộng cho bà con ổn định sản xuất…

1(3).jpg
Mưa lũ làm sập nhà dân

Trước đó, do mưa lũ đã khiến cho huyện Bát Xát bị thiệt hại hơn 1.314 tỷ đồng, 15 người chết, 2 người mất tích, 10 người bị thương; thiệt hại 1.325 nhà, 33 trường học; 6 trạm y tế, 144 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng; các công trình giao thông thiệt hại nặng. Mực nước tại hồ chứa thuỷ điện tại các xã Mường Hum, Nậm Pung, Trung Lèng Hồ, Bản Vược, Bản Xèo thường xuyên dâng cao, chảy tràn qua cửa xả và mặt tràn.

1.-nhieu-1.jpg

Trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bát Xát thì được biết: Đến nay, tình hình giao thông tại một số tuyến tỉnh lộ khu vực xã Y Tý, A Lù và Quang Kim đã thông xe, nhưng đi lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sạt lở và ngập úng trước đó gây nên.

3(1).jpg

Ông Lý Văn Sìn, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, nơi có cánh đồng “hóa đá” cho biết: Sau lũ, chính quyền các cấp và nhiều nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ bà con để sớm khôi phục nhà cửa, đời sống. Tuy nhiên, khó nhất là đất sản xuất, những diện tích lúa bị đá vùi lấp đều không thể khôi phục, trong khi xã không còn quỹ đất nào khác để bố trí.

4(1).jpg

Cũng theo ông Sìn, xã đang hướng tới đẩy mạnh các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. "Ví dụ bây giờ không thể trồng lúa nữa thì chuyển sang trồng cây ngắn ngày và cũng là cây chủ lực như chuối, hoặc cây dài ngày như quế mỡ trên những phần đất đồi để thay thế cho lúa để người dân ổn định sản xuất”, ông Sìn chia sẻ.
Còn Anh Vàng A Sểnh, trú tại thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường cho hay: "Mưa lũ kéo đá từ phía thượng nguồn tràn xuống vùi lấp hết ruộng vườn của gia đình anh cũng như bà con. Đến nay, không canh tác được nữa, chỉ mong nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ ổn định sản xuất.
Theo đánh giá ban đầu, ước tính tổng diện tích đá vùi lấp vào khoảng 150 ha, trong đó riêng đất lúa gần 60 ha. Có những vị trí đá vùi lấp cao tới 6 – 7 m từ mặt suối, vượt qua cả nền đường, phá hủy gần chục căn nhà kiên cố của người dân…

7(1).jpg

“Mục sở thị” tại hiện trường, PV quan sát thấy đã hơn 2 tháng trôi qua, dọc cửa suối Tùng Chỉn đổ ra sông Hồng ngược về cả 2 nhánh phía thượng nguồn dài khoảng 4km trắng xóa một màu của những viên đá lớn nhỏ bị lũ cuốn về. Trước đây, khu vực này vốn là cánh đồng xanh tốt, màu mỡ…
Trao đổi với PV về hướng khắc phục, ông Nguyễn Đức Hiệp, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bát Xát cho biết: Riêng khu vực Nà Lặc, xã Trịnh Tường, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 502.412,0 m2. Tổng khối lượng đá, cát, bùn đất trên diện tích đất nông nghiệp khoảng hơn 1 triệu khối.

11(1).jpg

Được biết, UBND huyện Bát Xát đã có báo cáo số 712/BC-UBND, ngày 12/11/2024 gửi UBND tỉnh Lào Cai. Cũng theo báo cáo này, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra cho huyện Bát Xát là: Thiệt hại về người: 27 người, trong đó: 15 người chết; 02 người mất tích; 10 người bị thương. Thiệt hại về nhà ở: Tổng số nhà ở bị thiệt hại là 1.021 nhà, cụ thể thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 130 nhà (129 hộ); Thiệt hại rất nặng từ 50%-70%: 36 nhà; Thiệt hại nặng từ 30-50%: 82 nhà; Thiệt hại một phần (dưới 30%): 310 nhà; Nhà bị ngập nước: 463 nhà; Nhà phải di chuyển khẩn cấp: 532 nhà. Ước thiệt hại khoảng 51.950,01 triệu đồng.

Thiệt hại về giáo dục: Tổng số trường học bị thiệt hại 34 trường, trong đó có 18 trường học bị ảnh hưởng nặng do sạt lở đất, 16 trường học và điểm trường học bị đất đá tràn vào sân, tường nhà. Ước thiệt hại khoảng: 180.920 triệu đồng. Thiệt hại về Y tế: Có 08 trạm Y tế bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 8.995 triệu đồng.

10.jpg

Thiệt hại về nông, lâm nghiệp với diện tích ruộng lúa bị đất đá vùi lấp, phải cải tạo lại mới tiếp tục sản xuất: 257,73 ha. Diện tích ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục sản xuất: 232,36 ha. Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại là 512,36 ha, Diện tích gieo cấy lúa thuần: 206,79 ha (Thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 159,11 ha; Thiệt hại rất nặng từ 50% - 70%: 13,56 ha; Thiệt hại rất nặng từ 30% - 50%: 4,41 ha; Thiệt hại một phần (dưới 30%): 29,72 ha). Diện tích gieo cấy lúa lai: 305,57 ha (Thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 222,23 ha; Thiệt hại rất nặng từ 50% - 70%: 73,42 ha; Thiệt hại rất nặng từ 30% - 50%: 1,07 ha; Thiệt hại một phần (dưới 30%): 8,85 ha). Diện tích hoa màu, rau màu: 20,283 ha. Số lượng hoa, cây cảnh các loại: 250 cây. Diện tích cây trồng hàng năm: 475,7 ha. Diện tích trồng cây lâu năm: 14,568 ha. Diện tích cây ăn quả tập trung: 24,434 ha. Diện tích rừng hiện có: 658,516 ha. Cây giống bị hư hỏng: 0,4 ha. Lương thực bị trôi, ẩm ướt: 193,36 tấn. Ước tổng thiệt hại khoảng 384.742,66 triệu đồng. Thiệt hại công trình giao thông: Tổng thiệt hại về giao thông là: 154.552,2 triệu đồng, trong đó tổng chiều dài đường huyện quản lý là 104,3km. Ước thiệt hại khoảng 117.616,44 triệu đồng. Ngoài ra, thiệt hại các tuyến đường do Ban QLDA ĐTXD huyện Bát Xát đang thực hiện khoảng 36.935,76 triệu đồng.

Thiệt hại về thủy sản, ước tính là 77.427,34 triệu đồng. Thiệt hại về thông tin liên lạc khoảng: 2.735,7 triệu đồng.

Thiệt hại về công nghiệp ước khoảng 84.453,7 triệu đồng. Tổng số 45 công trình cấp nước sinh hoạt bị hỏng làm cho 3.248 hộ thiếu nước sạch sử dụng. Ước thiệt hại khoảng 38.976 triệu đồng. Thiệt hại các công trình khác, ước khoảng 4.000 triệu đồng.
Như vậy, tổng thiệt hại trên địa bàn ước khoảng 1.224.013,62 triệu đồng.
Cũng theo văn bản này, UBND huyện Bát Xát đề xuất, kiến nghị Trung ương điều chỉnh, thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, theo hướng tăng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh do định mức hỗ trợ theo quy định hiện tại còn thấp.

Theo Quyết định số 17/QĐ-MTTQ-BTT ngày 02/10/2024 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại phải cải tạo lại mới tiếp tục sản xuất được, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể, để việc triển khai thực hiện thống nhất, đúng quy định.
Được biết, tại cuộc họp thường kỳ tháng 11 với các Sở, ngành, địa phương, sau khi tiếp thu các ý kiến, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhất trí phương án chi hỗ trợ 20 triệu đồng/ha đối với những diện tích đất lúa không thể khôi phục. Đồng thời, chỉ đạo một Phó Chủ tịch cùng các ngành tài nguyên - môi trường, xây dựng đi đánh giá thực tế, phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm” để tìm giải pháp tháo gỡ triệt để cho cánh đồng đá “bất đắc dĩ” Trịnh Tường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bát Xát (Lào Cai): Cần sớm vào cuộc cải tạo cánh đồng, dòng suối “hóa đá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO