Quảng Trị là một tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến tranh, hậu quả của chiến tranh để lại đã và đang là một trở ngại lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này.
Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, tỉnh Quảng Trị đã bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm phục vụ công cuộc tái thiết bằng tất cả lực lượng hiện có lúc bấy giờ với công cụ thô sơ nhất. Kể từ năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên triển khai chương trình hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Các chương trình, dự án đã đạt được nhiều kết quả, đem lại sự an toàn cho người dân, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Các chương trình hành động bom mìn của tỉnh Quảng Trị đã được các cơ quan trung ương và cộng đồng quốc tế đánh giá là một hình mẫu để xem xét, nhân rộng trên toàn quốc cũng như các vùng bị ô nhiễm bom mìn trên thế giới.
Theo ông Hoàng Nam, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị cho biết: Các chương trình, dự án đã giúp giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị: Giai đoạn sau khi chiến tranh kết thúc, mỗi năm Quảng Trị chứng kiến hàng trăm người chết và bị thương do bom mìn. Giai đoạn 1995 - 2005, số nạn nhân do tai nạn bom mìn tại Quảng Trị giảm xuống trung bình còn khoảng 50 người/năm. Giai đoạn 10 năm tiếp theo (2005 – 2015) con số này giảm xuống còn khoảng 10 người/năm. Năm 2016, Quảng Trị chỉ có 1 vụ tai nạn bom mìn khiến 1 người chết và 1 người bị thương, năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị không có tai nạn bom mìn…
Tính đến nay, các dự án rà phá bom mìn với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế từ Anh, Mỹ, Đức... đã rà phá an toàn hơn 132 triệu m2 đất bị ô nhiễm nặng, xử lý an toàn 650.000 quả bom mìn, vật nổ các loại ở tỉnh Quảng Trị. Hơn 350.000 lượt học sinh và người dân đã được tiếp cận với chương trình "Giáo dục phòng tránh bom mìn". Nhờ vậy diện tích đất phục vụ canh tác, định cư tăng đáng kể, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Các dự án đã góp phần nâng cao nhận thức nguy cơ bom mìn đối với nhân dân địa phương, đặc biệt là trẻ em. Người dân đã được chuẩn bị tốt hơn về tâm lý và kiến thức để sống và sản xuất an toàn trong môi trường bị ô nhiễm bom mìn. Nhiều làng tái định cư đã được xây dựng trên các vùng đất từng bị ô nhiễm bom mìn. Hàng ngàn lượt nạn nhân bom mìn đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp để vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng..
Các chương trình, dự án đã đóng góp nguồn đầu tư xã hội khá lớn cho địa phương. Trong hơn 20 năm qua, tổng kinh phí thực hiện các dự án lên đến 80 triệu USD. Đặc biệt các dự án đã xây dựng và đào tạo một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại là một nguồn lực quan trọng giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn trong tương lai. Đồng thời các dự án hiện đã tạo ra gần 600 việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Là một nạn nhân bị tai nạn bom mìn gây 86% tỷ lệ thương tật cho bản thân, trải qua gần 20 năm chịu đựng, anh Hồ Văn Lai (28 tuổi, khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị) sau khi được sự giúp đỡ của địa phương, tổ chức quốc tế giờ đây anh đã trở thành một cộng tác viên đắc lực trong việc tuyên truyền về hậu quả, nguy hiểm của bom mìn sau chiến tranh, nói về cuộc sống hiện tại của mình, anh Hồ Văn Lai tâm sự: “Gần 20 năm với tàn phế trên cơ thể do bom mìn gây ra, hơn ai hết tôi hiểu rõ sự tàn phá của bom đạn gây ra còn dai dẳng, đau khổ như thế nào. Được trở thành một cộng tác viên tuyên truyền về bom mìn, tôi muốn mọi người hãy hiểu rõ hơn về tác hại của những “tử thần” sót lại sau chiến tranh mà chính tôi là minh chững rõ nét nhất, khi dù đã tàn phế nhưng vẫn còn giữ lại được sự sống cho đến ngày hôm nay, để tôi thấy rằng mình vẫn còn giúp ích được cho nhiều người. Đó là ý nghĩa lớn lao, là niềm tin thúc dục tôi mạnh mẽ lên hàng ngày…”.
Tham gia buổi ngoại khóa về Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4-4) được tổ chức tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), em Nguyễn Thị Hồng Linh (học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Hải Thái, Hải Lăng, Quảng Trị) nói: “Từ trước đến nay, nhà trường vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về mức độ nguy hại của bom mìn sót lại sau chiến tranh cho chúng em thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp… Tuy nhiên, buổi ngoại khóa hôm nay rất ấn tượng và bổ ích. Qua những hiện vật, hình ảnh trực quan giúp chúng em nâng cao hiểu biết về các loại bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và cách phòng, tránh những tai nạn...”
Hợp tác quốc tế trong giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã góp phần tạo ra hình ảnh, sự thân thiện, dấu ấn tốt đẹp của Quảng Trị với cộng đồng quốc tế, đặc biệt nhiều hoạt động đậm tính nhân văn đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân địa phương và quốc tế.
Ông Sean Wetherill - Giám đốc điều hành hoạt động kỹ thuật tổ chức MAG Việt Nam nói: “Tại địa bàn Quảng Trị, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với tổ chức NPA/Renew. NPA/Renew tiến hành khảo sát về mức độ ô nhiễm bom chùm trên toàn tỉnh và MAG sẽ thực hiện hoạt động rà theo hệ thống từ công tác khảo sát đó…. Tổ chức Peacetrees Vietnam (Cây Hòa Bình) với quy mô nhỏ hơn, hoạt động của họ chủ yếu tập trung tại địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông . Hiện tại MAG đang hỗ trợ Peacetrees Vietnam trong công tác xây dựng năng lực cho dự án”.
Tại buổi ngoại khóa hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn (4-4), Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị, ông Hoàng Nam ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến về trí tuệ, mồ hôi, công sức của các cán bộ chuyên môn, chuyên gia nước ngoài, cám ơn sự hỗ trợ của chính quyền dịa phương và các cơ quan chức năng trong chương trình hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị để có được thành quả như ngày hôm nay.
“Mặc dù đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực, song vấn đề về ô nhiễm bom mìn tại Quảng Trị vẫn còn rất nghiêm trọng, được xếp vào hàng đầu trong cả nước, tiếp tục là rào cản trong quá trình phát triển của địa phương cũng như đời sống người dân. Do vậy tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy tiếp tục ủng hộ, hợp tác chặt chẽ và làm việc hiệu quả, cùng chung tay, góp sức hướng tới một mục tiêu vì một Quảng Trị an toàn không còn nguy hiểm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đầu tiên trong cả nước vào năm 2025…” - ông Hoàng Nam nói.