Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn
Để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có trên 36.000ha đất bãi ngập mặn, trong đó, diện tích có rừng ngập mặn trên 22.000ha, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Hải Hà, Quảng Yên, Vân Đồn. Riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 4.000ha rừng ngập mặn. Đồng thời, Quảng Ninh đã xây dựng các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn thành “lá chắn xanh” vững chắc bảo vệ đê điều, ao đầm nuôi thủy sản, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH.
Hệ thống rừng ngập mặn phát triển còn giúp môi trường sinh thái ven sông, biển thêm đa dạng với nhiều loài thủy sản sinh sống, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm nay, Quảng Ninh không thực hiện các Dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng, không khai thác, tận thu gỗ rừng tự nhiên, ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi, bảo vệ rừng, cũng như giám sát chặt chẽ các Dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nhờ vậy, đến nay, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản được bảo vệ nguyên trạng với hơn 122 nghìn ha.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, theo Đề án, nội dung bảo vệ hệ sinh thái RNM là một trong 15 chương trình trọng tâm sẽ được ưu tiên tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi
Song song với các giải pháp trên, tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2025; quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai.
Theo đó, công tác phòng, chống thiên tai được các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai theo phương châm “4 tại chỗ” chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trên cơ sở đó, tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và hiệu quả.
Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư được hơn 100km đê biển, hơn 21km kè và 34 cống tiêu dưới đê thuộc Chương trình nâng cấp đê biển nhằm bảo vệ trên 162 nghìn người dân, 26 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Đã xây mới nâng cấp, sửa chữa trên 90 hồ chứa nước và xây mới nâng cấp, sửa chữa 22 trạm bơm tiêu.
Đối với hệ thống hồ đập, đê điều, Quảng Ninh đã chỉ đạo các Công ty thủy lợi rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu cũng như kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn; lập danh mục những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, để tham mưu cho tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, tài sản và người dân.
Nhiều năm qua, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh kiên cố hóa được trên 252km kênh mương, nâng tổng số kênh đã được kiên cố hóa lên hơn 1.900km, hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 của các công trình cơ bản đã được kiên cố.
Trong khoảng 5 năm, từ 2017 đến nay, đã có gần 300 công trình kênh mương được xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Trên địa bàn tỉnh có hơn 510 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, Quảng Ninh đã đầu tư, lắp đặt và đưa vào sử dụng 40 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn, trong đó, có 20 trạm đo mưa tự động chuyên dùng đã nâng cao năng lực cảnh báo mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Quảng Ninh đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm: Vùng đê tả sông Kinh Thầy (TX. Đông Triều); vùng đê Hà Nam (TX. Quảng Yên); dân cư vùng sạt lở, lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng hồ chứa nước Yên Lập, làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiên phương án ngay trước mùa mưa bão.
Với việc đẩy mạnh trồng, bảo vệ rừng, nhất là hệ thống rừng ngập mặn và đầu tư xây mới, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi, đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với điều kiện BĐKH, đảm bảo an toàn về tài sản và người dân trên địa bàn.