Quảng Ninh: Nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải ở vùng nông thôn

Phạm Hoạch| 30/09/2019 08:53

(TN&MT) – Với địa hình trải dài, đồi núi, hải đảo, nên hầu hết khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh có mật độ dân cư thưa thớt, nằm rải rác, nhất là các xã miền núi, hải đảo, nên ảnh hưởng rất lớn tới việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây cũng là một trong những tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Quảng Ninh đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương từ huyện, tới xã đến thôn bản tích cực triển khai thực hiện đạt kết quả mang tính bền vững, lâu dài.

A 1
Công nhân Công ty CP môi trường đô thị Cô Tô thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt
A 3: Thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Liên Vị, TX.Quảng Yên.

 

Để giải bài toán về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp về quản lý chất thải, cũng như chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huy động các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị trong tỉnh, từng bước khắc phục, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra, nhất là ở vùng nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 1.397 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý đạt 1.245 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 93,5%.

A 2
Lò đốt rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 18 lò đốt rác thải sinh hoạt, trong đó có 8 lò đốt áp dụng công nghệ Nhật Bản với quy mô xử lý cho cấp xã, phường, tại các địa phương như: Ba Chẽ, Vân Đồn, Hải Hà và Móng Cái. Còn lại 10 lò đốt với quy mô xử lý cấp huyện, thị xã, thành phố, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí với 4 lò đốt, công suất 200 tấn/ngày; Trung tâm xử lý chất thải rắn Vũ Oai, Hòa Bình, tại huyện Hoành Bồ với 6 lò đốt, công suất 900 tấn/ngày.
 

A 3

 

Đến nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Quảng Ninh vẫn xử lý bằng hai phương pháp chôn lấp và đốt. Nhiều huyện miền núi như: Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu đều xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp, nên hiệu quả xử lý không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến môi trường, cũng như sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, với hai huyện đảo là Cô Tô và Vân Đồn có tới 11 xã đảo, nên việc thu gom, vận chuyển, quy hoạch điểm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các xã đảo là rất khó khăn, vất vả đối với những người lao động đang làm việc tại các công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Cùng với đó, việc thu gom,vận chuyển rác thải tại các xã đảo vào đất liền gặp không ít khó khăn do chí phí tăng cao, phụ thuộc vào thời tiết, nhất là mùa mưa bão. Trong khi khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các xã đảo thấp, trừ mùa du lịch, nên việc đầu tư các lò đốt công suất lớn đem lại hiệu quả kinh tế thấp khiến cho nhiều nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Một khó khăn không nhỏ nữa là, hầu hết khu vực nông thôn của Quảng Ninh trên đất liền có địa hình đồi núi, mật độ dân cư thưa thớt, nằm rải rác không tập trung, nên cung đường vận chuyển rác khá dài, nên việc thu gom rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, nhiều xã chưa xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác, nên phụ thuộc vào các xe chuyên dụng để vận chuyển rác, vì vậy việc bố trí, sắp xếp thời gian để thu gom vận chuyển rác ở các điểm tập kết rác trên các xe đẩy tay ở các xã, thôn gặp nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu thực tế, tại các xã đều thành lập các tổ dịch vụ thu gom rác thải nhưng không có kinh phí để hoạt đông, dù các tổ dịch vụ đã đi vào hoạt động nhưng hoạt động theo hình thức tự quản, thu không đủ chi nên các thành viên tham gia chưa mặn mà, chưa gắn bó với công việc. Mặt khác, tại các vùng nông thôn, miền núi, nhiều hộ dân tự đốt hay chôn rác thải sinh hoạt ngay trong vườn nhà, việc làm này không đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu của các tổ dịch vụ.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Nguyễn Văn Trìu cho biết, nhằm từng bước nâng cao hiệu quả việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, tỉnh Quảng Ninh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, thực hiện phương án phân loại rác tại nguồn theo mô hình tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải (3R) phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường tới người dân, cũng như tích cực triển khai thực hiện các mô hình tự quản, mô hình mẫu về bảo vệ môi trường như: “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Khu phố, thôn, bản mẫu xanh- sạch- đẹp”.

Với sự vào cuộc mang tính quyết liệt, đồng bộ, Quảng Ninh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp trong việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng xanh- sạch- đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải ở vùng nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO