Quảng Ninh: Gỡ khó việc sử dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp

Phạm Hoạch| 14/12/2022 11:40

(TN&MT) - Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước đạt 67,5%. Tốc độ đô thị hóa nhanh với hàng loạt các khu đô thị, dự án trọng điểm được triển khai cần nguồn vật liệu để san lấp mặt bằng rất lớn, đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp hữu hiệu, bền vững đáp ứng nhu cầu để triển khai các dự án trên địa bàn.

Nguy cơ rủi ro từ những bãi thải mỏ

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng hàng loạt dự án được triển khai, nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng của Quảng Ninh là rất lớn, trong khi trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục bãi đổ đất đá thải mỏ với khối lượng lên tới hàng trăm triệu mét khối.

Hàng năm, các mỏ than nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000 ha. Hiện, nhiều bãi đổ thải tại TP.Cẩm Phả và TP.Hạ Long có độ cao từ 300 đến 400 mét, vào mùa khô bụi phát tán xuống các khu dân cư, còn vào mùa mưa bão tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất lớn.

anh-qn-12.jpg
Những núi đất đá thải mỏ tại TP.Cẩm Phả luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở vào mùa mưa bão gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân sinh sống phía dưới 

Hiện nay, theo tính toán, nhu cầu khối lượng san lấp đến năm 2025 là 595 triệu m3, giai đoạn 2026- 2030 là 510 triệu m3. Vì vậy, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các địa phương có nhiều mỏ khai thác than như: Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều.

Trong thực tế, trước đó Quảng Ninh đã sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng một số dự án tại hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Cùng với đó, để thực hiện Luật Khoáng sản từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành Than tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ TN&MT xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách cấp phép cho sử dụng đất đá thải mỏ đến nay đã có những kết quả nhất định.

anh-qn-11.jpg
Vẫn còn những hộ dân nằm sát ngay dưới chân những núi đất đá thải mỏ tại TP.Cẩm Phả

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh Trần Như Long cho biết, hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3 dùng để san lấp mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn.

Cùng với đó, việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ thời gian vừa qua đã hạ độ cao bãi thải, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nguy cơ sạt lở trong quá trình đổ thải đối với khu vực dân cư sống lân cận.

Cần có giải pháp bền vững

Để giải bài toán hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường, Quảng Ninh đã phối hợp với ngành Than lên phương án sử dụng đất, đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp. Giải pháp này không những giải được bài toán khan hiếm vật liệu san lấp cho các công trình, mà còn tiết kiệm được tài nguyên, thu hẹp diện tích các bãi thải mỏ, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

anh-qn-15.jpg
Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hàng loạt dự án nên nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng của địa phương là rất lớn

Ông Trần Như Long cho biết thêm, thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành Than, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời xác định 32 vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp đưa vào Phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của việc thực hiện chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn.

Điều này vừa giải quyết được vấn đề khó khăn trong nguồn vật liệu san lấp, hạn chế khai thác đất đồi, hạn chế phá vỡ cảnh quan tự nhiên, cũng như tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, trong quá trình sử dụng nguồn đất đá thải mỏ sẽ giám sát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển và sử dụng đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đúng mục đích.

anh-qn-14.jpg
Nhiều dự án trọng điểm tại TX.Quảng Yên đang cần lượng lớn vật liệu để san lấp mặt bằng triển khai đảm bảo tiến độ

Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với ngành Than để đẩy nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục bám sát những chủ trương, định hướng của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Khoáng sản theo hướng đơn giản thủ tục hành chính đối với việc cấp phép khai thác, sử dụng các mỏ đất, ưu tiên đất đá thải mỏ để sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Gỡ khó việc sử dụng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO